Bài toán nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi: Mục tiêu tự chủ 50% có khả thi ?

Sau thời gian dài dịch Covid19, ngành chăn nuôi gặp nhiều thách thức, đặc biệt giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi nguồn cung nguyên liệu trong nước không bảo đảm.

Sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu vốn là điểm yếu của ngành chăn nuôi Việt Nam. Trước những thay đổi đột ngột của thị trường hàng hóa vấn đề này ngày càng bộc lộ rõ hơn. Thách thức này không mới nhưng để có thể thay đổi cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và các bộ ban ngành liên quan.

Phụ thuộc thức ăn chăn nuôi nhập khẩu

Hiện nay, theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng từ 30-35% so với nhu cầu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kết thúc năm 2022 cả nước nhập khẩu 10 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2021. Tính riêng quý 1/2023, nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi đạt 1,16 tỷ USD chủ yếu nhập khẩu ngô, lúa mì, khô đậu tương đưa vào phục vụ sản xuất thành phẩm cám trong chăn nuôi.

Bà Nguyễn Thu Phương - Trưởng phòng Kinh doanh công ty TNHH Đầu tư Quốc Tế Hữu Nghị nhận định: "Dòng chảy xuất khẩu từ Biển Đen đứng trước nguy cơ bị gián đoạn do xung đột giữa Nga và Ukraine gây ảnh hưởng tới giá nguyên liệu thứ ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, mùa vụ của Mỹ vừa mới bắt đầu gieo trồng nhưng lại có dấu hiệu chậm trễ do thời tiết không mấy thuận lợi đe dọa đến diện tích cây trồng. Theo đó, giá ngô và lúa mì sẽ có khả năng đón nhận một đợt tăng mới và quý 2/2023 trước những lo ngại về nguồn cung”.

Ngoài ra, theo Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia của Mỹ (NOAA) dự báo, hiện tượng thời tiết El Nino sẽ trở lại trong mùa hè năm nay có thể gây ra một mùa đông khô hạn, thay thế cho hiện tượng La Nina sẽ là trở ngại lớn với sản lượng lúa mì, ngô và khô đậu tương của nhiều nước xuất khẩu mặt hàng này.

Bài toán nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi: Mục tiêu tự chủ 50% có k

Với những yếu tố trên, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ giá nguyên liệu trên thế giới.

Khi giá thành bị đẩy lên cao, trong khi năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn nhiều hạn chế vì chưa tận dụng hết nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước, lập tức ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi chịu ảnh hưởng. Việc này lập tức tác động dây chuyền tới ngành chăn nuôi.

Theo Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó chủ tịch Hiệp hội hức ăn chăn nuôi Việt Nam nhận định: "Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, khi nguồn cung đứt gãy trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến quá trình nhập khẩu. Thêm vào đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước sẽ phụ thuộc vào giá nguyên liệu thế giới nên khi có biến động từ thị trường giá thành sản phẩm thịt và trứng sẽ tăng vì Việt Nam vẫn chưa làm chủ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi”

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng và diện tích ngô trong nước đã giảm dần kể từ năm 2015 do giá ngô nhập khẩu rẻ hơn. Nông dân đã chuyển sang các loại cây trồng mang lại lợi nhuận cao. Ngoài ra, kết thúc năm 2022 cả nước nhập khẩu 1,8 triệu tấn đậu tương, trị giá 1,256 tỷ USD cho thấy đây là 2 nguyên liệu phải nhập khẩu số lượng lớn.

Cần nội địa hóa nguồn thức ăn chăn nuôi

Quảng cáo

Theo các chuyên gia, để gỡ khó cho nguyên liệu đầu vào của ngành chăn nuôi, vấn đề mấu chốt là cần tìm giải pháp để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, chủ động nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Khi giải quyết được bài toán này, sẽ giúp cho người chăn nuôi và doanh nghiệp giảm chi phí và giá thành trong quá trình sản xuất chăn nuôi.

Lấy ví dụ, tại Đồng Tháp địa phương nổi tiếng với làng nghề truyền thống sản xuất bột gạo. Đến công đoạn cuối thì phụ phẩm trở thành chất thải và khi đem đi xử lý khó khăn, nhưng khi đưa vào chế biến với một số thành phần khác tạo nên thức ăn chăn nuôi cho cá, gia cầm đã đem lại nguồn lợi rất lớn thay vì mua thức ăn chăn giá cao thì nông dân có thể sử dụng hỗn hợp mới. Vì vậy, được xem là mô hình mới để các địa phương khác theo dõi và áp dụng.

image001-5234.jpg Hộ chăn nuôi đang sử dụng thức ăn chăn nuôi cho heo

 

"Việt Nam đã chủ động được công nghệ, có năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, cần có các chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ sản xuất nguyên liệu và vùng trồng thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần có giải pháp lâu dài bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bảo đảm sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi" Đây là nhận định của nhiều chuyên gia.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó chủ tịch hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam đưa ý kiến: "Thứ nhất, biện pháp hiệu quả mà có thể làm được ngay là giảm chi phí đầu vào. Vì nhu cầu trong nước tăng, mà nguồn cung nguyên liệu trong nước không đủ nên bắt buộc phải nhập. Nhưng một chi phí có thể giảm đó là khâu Logistics, đây là việc của Bộ Giao thông Vân tải."

"Thứ hai, chi phí và thời gian kiểm tra, kiểm dịch thức ăn chăn nuôi, nhập khẩu cũng có thể đơn giản hơn, vì việc này nằm trong tầm tay của Bộ Nông nghiệp và Phát riển nông thôn. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có thể vào cuộc để tìm các nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dồi dào từ các nước, chủ động lựa chọn để nhận được các ưu đãi về chính sách, thuế quan..." Ông Nguyễn Xuân Dương nhận định.

Để mở rộng được nguồn cung nguyên liệu đầu vào, cần đẩy mạnh giải quyết được bài toán về chi phí đầu vào, vốn là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, doanh nghiệp và nông dân khi sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cần cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất. Khi đó, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thu mua phế phẩm từ nông dân với giá ổn định đảm bảo kết nối quyền lợi của hai bên, giảm áp lực từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Để nhiều doanh nghiệp đón nhận được nguồn cung nguyên liệu đầu vào, cần đẩy mạnh giải quyết được bài toán về chi phí đầu vào, vốn là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Mặc khác, phải có những điều chỉnh trong ngành như phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất. Đây được xem là biện pháp về lâu về dài để thị trường thức ăn chăn nuôi tăng trưởng.

Việt Nam xuất khẩu thức ăn chăn nuôi trị giá hơn 80 triệu USD trong tháng 4/2023, trở thành quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới về sản xuất thức ăn chăn nuôi năm 2022. Tuy nhiên, một nghịch lý vẫn đang tồn tại: Nước ta vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, và với mục tiêu phải phấn đấu chủ động được khoảng 50% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vào năm 2030 mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển đưa ra, thì việc phụ thuộc đầu vào vẫn là lực cản nếu trong tương lai chúng ta vẫn chưa tự chủ được nguồn thức ăn chăn nuôi.