Chỉ tính riêng trong tháng 8, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội đã kiểm tra 2.335 vụ; xử lý 2.128 vụ; thu nộp ngân sách 310 tỷ 670 triệu đồng.
Cụ thể, theo thông tin từ báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội, trong tháng 8/2023, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, kiểm tra theo kế hoạch định kỳ đúng tiến độ, triển khai các văn bản của Trung ương, địa phương về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các mặt hàng nổi cộm phát sinh.
Kết quả kiểm tra, xử lý đạt được một số kết quả như sau: Kiểm tra 2.335 vụ; xử lý 2.128 vụ vi phạm hành chính; thu nộp ngân sách 310 tỷ 670 triệu đồng (phạt hành chính: 115 tỷ 928 triệu đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra 194 tỷ 742 triệu đồng).
Cũng theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, trong tháng 8 tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp, thường tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: thuốc lá, rượu, quần áo may sẵn, đồ điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm các loại... Đặc biệt thời gian tới sắp diễn ra dịp Tết Trung thu, dự báo trong thời gian này nhu cầu về bánh kẹo, bánh trung thu,…của người dân tăng cao, vi phạm về an toàn thực phẩm có nhiều diễn biến phức tạp.
Các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng này, dưới đây là một số vụ việc vi phạm điển hình mà các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội đã triệt phá.
Ngày 19/7/2023, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Công an Huyện Hoài Đức; Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức kiểm tra điểm kinh doanh chế biến thực phẩm Đăng Khoa có địa chỉ tại: thôn Độc Lập, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội. Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 18 vỉ kẹo cao su (12 hộp/ vỉ) và 3.300 hộp (56g/hộp) kẹo cao su là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu “Hubba Bubba” và “Wrigley’s". Đội Quản lý thị trường số 24 đã đề xuất chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và tang vật cho cơ quan điều tra – Công an Huyện Hoài Đức để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định.
Tiếp đến, ngày 21/7/2023, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an Huyện Hoài Đức kiểm tra địa điểm kinh doanh hàng hóa tại địa chỉ Thôn 1, xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội. Kiểm. Qua tra thực tế lực lượng chức năng phát hiện có 2.211 sản phẩm mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất; 1.328 chai dầu gội đầu có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu "Rejoice" và nhãn hiệu "Head & Shoulders" đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đội Quản lý thị trường số 24 đã gửi văn bản lên Cục Sở hữu trí tuệ để tiếp tục xác minh làm rõ để có căn cứ xử lý vụ việc.
Ngày 3/8/2023, Đội Quản lý thị trường số 24 kiểm tra địa điểm kinh doanh hóa mỹ phẩm tại địa chỉ Khu đô thị Geleximco, xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội; phát hiện 1.241 sản phẩm mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; không có hoá đơn chứng từ. Hiện vụ việc đang được xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 15/8/2023, Đội Quản lý thị trường số 12 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an quận Thanh Xuân, tiến hành khám nơi cất giấu hàng hóa (tại địa chỉ Số 67 ngõ 126, Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội), do bà N.T.S là chủ sở hữu hàng hóa.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 112 hộp tân dược HepBest 25mg trên bao bì hộp thuốc thành phẩm thể hiện sản phẩm được sản xuất bởi Mylan Laboratories Limited, xuất xứ Ấn Độ. Tên doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu y tế Delta (địa chỉ 175 Tân Lập, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh). Tem chống hàng giả của Công ty Dược phẩm Đa Lê (địa chỉ Số 10A7 Đầm Trấu, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Toàn bộ hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu làm giả. Hiện, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật vi phạm sang cho Công an quận Thanh Xuân tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 21/8/2023, Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội CSKT - Công an Quận Bắc Từ Liêm kiểm tra một địa điểm kinh doanh ở phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm phát hiện 4.608 chiếc bánh trung thu bibizan, 310 chiếc quần lót Charm, 11 chiếc máy hút bụi cầm tay do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hoá. Hiện vụ việc đang được xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong những tháng tiếp theo, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội cho biết: Ban Chỉ đạo 389 Thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 Thành phố và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đề cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay, bảo kê, bao che cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chủ động nắm tình hình, xác định tuyến, địa bàn, mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm; làm tốt công tác nghiệp vụ; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, nhất là hoạt động thương mại điện tử. Tăng cường đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm không để xảy ra tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lương, vi phạm an toàn thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm gây hậu quả trong dịp Tết Trung Thu sắp tới.
Trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; nhất là hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả trong thị trường nội địa, hoạt động thương mại điện tử…
Song song với việc giám sát, kiểm tra là tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thương nhân trên địa bàn, chủ động đấu tranh, phòng ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.