Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, chiều 19/5/2023, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.
Toàn cảnh Hội nghị Công bố Quy hoạch điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII)
Hội nghị Công bố Quy hoạch điện VIII có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, các Tập đoàn năng lượng (EVN, PVN, TKV) và cơ quan truyền thông.
Ngay sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã khẩn trương chỉ đạo triển khai xây dựng Quy hoạch điện VIII nhằm thực hiện 3 mục tiêu:
Thứ nhất, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
Thứ hai, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải và phát triển khoa học công nghệ của thế giới;
Thứ ba, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Trong quá trình triển khai lập Quy hoạch, Bộ Công Thương đã tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Quy hoạch và các Nghị quyết, Nghị định có liên quan của Quốc hội, Chính phủ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trong việc nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều vòng rà soát, sửa đổi, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, bảo đảm cẩn trọng, kỹ lưỡng và cập nhật đầy đủ các nội dung mang tính chiến lược đề ra trong các Nghị quyết có liên quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tầm nhìn dài hạn.
Đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín, các tổ chức quốc tế và khu vực, đại sứ quán của nhiều quốc gia để hoàn thiện Quy hoạch, trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII thông qua và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.
Theo đó, Quy hoạch điện VIII bảo đảm nguyên tắc tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và Tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Việc Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế, như xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế cacbon thấp…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, đơn vị liên quan cần khẩn trương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ triển khai Quy hoạch điện VIII
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, để triển khai thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, đơn vị liên quan cần khẩn trương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Trước hết, cần thực hiện tốt công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà bản Đồ án quy hoạch đã đề ra.
Tổ chức triển lãm, trưng bày mô hình, hệ thống sơ đồ, bản đồ, hệ thống cơ sở dữ liệu về quy hoạch nhằm công bố công khai các nội dung Quy hoạch điện VIII để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội biết, tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện Quy hoạch theo quy định của pháp luật.
"Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông của Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng, mở các chuyên mục, chuyên trang, đổi mới nội dung, phương thức chuyển tải nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của Quy hoạch điện VIII và những quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển điện lực quốc gia để dư luận xã hội hiểu đúng, hiểu rõ và ủng hộ, đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch", Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị.
Thứ hai, khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm các phương án Quy hoạch được triển khai thực hiện trong thực tiễn; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và quản lý phát triển điện lực.
Thứ ba, tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách có liên quan nhằm hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm đồng bộ, khả thi.
Đặc biệt, chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi), Luật phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế mua bán điện trực tiếp và cơ chế, chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị ngành điện, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Thứ tư, chủ động, tích cực phối hợp, hướng dẫn các địa phương khẩn trương rà soát, cập nhật đầy đủ các chủ trương, định hướng đề ra trong Quy hoạch điện VIII để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với các địa phương đã được phê duyệt Quy hoạch tỉnh cần sớm đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch), bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các cấp quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Hơn nữa, cần chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành ở địa phương (như quy hoạch về đất đai, xây dựng), tạo cơ sở, tiền đề cho việc triển khai các dự án phát triển điện lực trên địa bàn trong tương lai.
Thứ năm, các Tập đoàn năng lượng theo chức năng, nhiệm vụ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Quy hoạch điện VIII, góp phần hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển điện lực quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong mọi tình huống; tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo nhiệm vụ được giao; đồng thời chú trọng thực hiện triệt để các giải pháp đổi mới quản trị doanh nghiệp, giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm phát triển bền vững.
Đồng thời, các Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tích cực tìm kiếm các nguồn khí, than ở trong và ngoài nước để bảo đảm cung cấp đầy đủ nhiên liệu cho sản xuất điện năng, phù hợp với nhu cầu phụ tải; chủ động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kho, cảng phù hợp với lộ trình chuyển dịch năng lượng, đồng thời tập trung thực hiện đúng tiến độ các dự án nguồn điện được giao.