Ngày 12/1/2022, tại Thanh Hóa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi làm việc trực tiếp và kiểm tra thực tế công tác vận hành nhà máy, đảm bảo cung ứng xăng dầu của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Cam kết hoàn thành xử lý sự cố vào 14/1
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Nguyễn Quốc Vinh - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Nhà máy Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho hay, dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong năm qua Công ty vẫn nỗ lực đảm bảo vận hành an toàn, ổn định nhà máy, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm đã duy trì công suất cao trên 100% đến 105% để đảm bảo cung ứng cho nhu cầu gia tăng của thị trường.
Năm 2022, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 7,4 triệu m3 xăng dầu các loại. Năm 2022, Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tiếp tục tập trung duy trì vận hành nhà máy ổn định và tối ưu hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, với sản lượng dầu thô chế biến dự kiến đạt khoảng 8 triệu tấn, công suất dự kiến khoảng 79,6% và có thể cao hơn sau khi kết thúc giai đoạn bảo dưỡng máy móc.
Liên quan đến tình hình hoạt động của nhà máy ở thời điểm hiện tại, ông Lê Nguyễn Quốc Vinh cho biết, ngày 28/12/2022, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phát hiện sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt tháp tái sinh của phân xưởng RFCC.
Ngay khi phát hiện ra sự cố, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã tiến hành dừng tạm thời phân xưởng RFCC và giảm công suất của các phân xưởng khác của Nhà máy để khắc phục sự cố, dự kiến trong 4-5 ngày.
Ông Lê Nguyễn Quốc Vinh - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Nhà máy Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn báo cáo đoàn công tác về tình hình vận hành nhà máy
Tuy nhiên, tranh thủ thời gian chờ dừng máy và làm nguội, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã tiến hành mở máy kiểm tra bổ sung để có thêm thông tin cho đợt bảo dưỡng vào tháng 8/2023 theo kế hoạch, phát hiện có hỏng hóc phát sinh tại vòng cấp khí. Sau khi cân đối tồn kho và sức chứa của các bể chứa, nhà máy đã tiến hành kết hợp sửa chữa bổ sung; đồng thời vẫn duy trì hoạt động nhà máy với công suất đầu vào là 85% trong thời gian sửa chữa 12 ngày, một số phân xưởng hạ nguồn duy trì công suất 90% và có công xưởng còn chạy ở mức 110%.
Hiện tại, sản lượng tồn kho của Lọc hóa dầu Nghi Sơn còn 67.535 m3 xăng, tương ứng với 33% tồn kho; dầu diesel còn 58.738 m3. Như vậy, tổng tồn kho xăng dầu ở thời điểm hiện tại là khoảng hơn 120.000 m3, cộng với mỗi ngày đang tiếp tục sản xuất khoảng 17.000 m3/ngày. Nhiên liệu máy bay JET-A1 còn tồn kho khoảng 15.000 m3.
Việc giảm sản xuất một vài ngày là có, nhưng đang được bù bằng lượng tồn kho trong các bể chứa của Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
“Những ngày vừa qua và cả hôm nay, mỗi ngày nhà máy đưa ra thị trường khoảng hơn 17.000m3 xăng dầu các loại, chưa kể tồn kho có sẵn. Thế thì thực tế không có vấn đề gì về nguồn, về tồn kho, về cung cấp trong những ngày qua. Chúng tôi đã và đang xuất đúng, xuất đủ khối lượng và đã báo cáo với bên bao tiêu cũng như các bên kinh doanh đầu mối”, lãnh đạo Lọc hóa dầu Nghi Sơn khẳng định.
Ông Lê Nguyễn Quốc Vinh cho hay, hiện Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, vật tư và dụng cụ cần thiết. Công tác sửa chữa bắt đầu từ ngày 4/1, sau khi rút xúc tác và làm nguội thiết bị, đang được tiến hành hết sức khẩn trương 24/7. Đến sáng ngày 12/1, tiến độ sửa chữa khớp nối đã hoàn thành, tiến độ sửa chữa vòng cấp khí đạt 94%, công việc còn lại là 2 mối hàn đang thực hiện và đắp vật liệu cách nhiệt xung quanh vùng mối hàn, tháo giàn giáo và đóng thiết bị.
“Theo tính toán ban đầu, ngày 17/1 công tác sửa chữa mới kết thúc. Nhưng nhà máy đã rất quyết tâm và đẩy nhanh tiến độ mọi việc có thể. Nhờ đó, chậm nhất là sáng ngày 14/1 sẽ đóng thiết bị và bàn giao cho vận hành. Vận hành sẽ tiến hành gia nhiệt và khởi động lại, dự kiến khoảng 3 ngày sau đó nhà máy sẽ ổn định ở công suất 100%. Lúc đó, chúng tôi sẽ tăng công suất lên 105-110% tùy theo yêu cầu của thị trường”, đại diện Lọc hóa dầu Nghi Sơn cam kết.
Về phía mình, ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, PVN đã tích cực phối hợp, chủ động hỗ trợ Lọc hóa dầu Nghi Sơn khắc phục tình huống, đặc biệt về nguyên vật liệu.
Mặt khác, Tập đoàn cũng chỉ đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng công suất lên mức 110% cho đến cuối năm; Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đã nhập bổ sung 40.000 m3 xăng dầu. Tập đoàn cũng điều phối một lượng
Hiện tồn kho xăng dầu của PVOil ở mức 190.000 m3, Bình Sơn 94.000 m3, và theo báo cáo của Nghi Sơn là 120.000 m3. Như vậy, tổng lượng sản xuất và tồn kho xăng dầu của PVN sẽ đạt khoảng 942.000 m3; cùng với nguồn cung từ các doanh nghiệp khác, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu xăng dầu của người dân và doanh nghiệp trong tháng 1, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán.
Toàn cảnh buổi làm việc
Đảm bảo nguồn cung bằng mọi cách, mọi giá
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung thị trường xăng dầu của Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù có những khó khăn, vướng mắc liên quan đến biến động giả cả của thị trường dầu thô, thị trường xăng dầu thế giới; cũng như những khó khăn nội tại của Nhà máy về vấn đề sự cố vận hành, về vấn đề tài chính nhưng Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phối hợp với các bên tham gia góp vốn tại Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, đặc biệt là PVN, dần tháo gỡ được các khó khăn của Công ty, duy trì vận hành nhà máy.
Kể từ khi chính thức đi vào vận hành đến ngày 31/12/2022, Nhà máy đã tiếp nhận khoảng 39,1 triệu tấn dầu thô, sản xuất khoảng 30 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó PVN đã bao tiêu khoảng 22,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại. Trong năm 2022, Nhà máy đã cung cấp cho thị trường trong nước trên 6,2 triệu tấn xăng dầu các loại, đạt 92% so với kế hoạch đề ra.
Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá nỗ lực của tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên của Công ty trong việc duy trì vận hành Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, sản xuất các sản phẩm xăng dầu cung cấp cho thị trường trong nước, góp phần vào việc ổn định thị trường xăng dầu trong nước, đảm bao an ninh năng lượng cho Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ghi nhận nỗ lực của Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong quá trình hoạt động của Công ty
Song Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của nhà máy trong thời gian vừa qua, khi Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn xảy ra những sự cố ảnh hưởng đến vận hành của nhà máy, đặc biệt có những sự cố làm nhà máy phải dừng vận hành tạm thời. Các sự cố xảy ra tuy không gây thiệt hại về người nhưng làm gián đoạn vận hành nhà máy, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước, đặc biệt trong giai đoạn giá nhiên liệu tăng cao và gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình điều hành thị trường xăng dầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Gần đây nhất, vào ngày 28/12/2022, Nhà máy xảy ra sự cố rò rỉ xúc tác tại phân xưởng RFCC. Công ty đã phải tạm dừng phân xưởng RFCC và giảm công suất chung của toàn Nhà máy để khắc phục sự cố. Sự cố đã làm giảm sản lượng xăng dầu từ Nhà máy khoảng 20-25% so với kế hoạch trong tháng 1/2023 tương dương khoảng 200.000 m3 (kế hoạch ban đầu là 800.000 m3 thực tế hiện nay còn khoảng 600.000 m3) ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu.
Qua nghe báo cáo, Bộ trưởng hoan nghênh nỗ lực của Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong khắc phục sự cố, khó khăn về tài chính để cung ứng sản lượng trên dưới 40-45% xăng dầu của cả nước. Năm 2022, mặc dù đã có sự cố nhưng phía nhà máy đã cung ứng tương ứng 6,2 triệu tấn, trên 7 triệu mét khối, 35-37% nhu cầu của cả nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng đây là liên doanh có phần vốn góp của nhà nước Việt Nam, được tạo điều kiện lớn, hưởng cơ chế ưu đãi đặc biệt, rất thông thoáng và thỏa đáng nếu so với Bình Sơn và các liên doanh trên thế giới. Việt Nam đã có cơ chế rất thông thoáng và thỏa đáng, tạo điều kiện rất lớn cho nhà máy. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 2 nhà máy lọc hóa dầu là Bình Sơn (hoàn toàn do Việt Nam điều hành) và Nghi Sơn, về mặt kỹ thuật thì Nghi Sơn có công nghệ tiên tiến hơn nhưng Bình Sơn lại hoạt động rất hiệu quả, Nghi Sơn thì hoạt động luôn khó khăn, phải bù lỗ.
"Phải bằng mọi cách, mọi giá" đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước
Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, Bộ trưởng đề nghị:
Thứ nhất, phải bằng mọi cách, mọi giá Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cùng với bên bao tiêu của PVN bảo đảm nguồn cung ra thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Những sự cố mà doanh nghiệp đang gặp phải được khắc phục nhanh và chứng minh bằng việc bảo đảm nguồn cung ra thị trường như sản lượng đã cam kết. Để làm được điều đó thì đầu tiên, nhà máy phải nỗ lực thật cao để hoàn thành việc sự cố kỹ thuật, muộn nhất là ngày 15/1 phải đi vào hoạt động, trở lại đủ công suất.
Đồng thời, phải huy động nguồn dự trữ thương mại kể cả thành phẩm, bán thành phẩm, liên kết với Lọc hóa dầu Bình Sơn và trong các kho dự trữ bảo đảm sản lượng giao cho các doanh nghiệp đầu mối không được giảm so với cam kết. Nếu nhà máy giảm thì doanh nghiệp phân phối cũng giảm thì sẽ dẫn tới thiếu hụt xăng dầu.
Thứ hai, dù đã rất quyết liệt trong việc tái cơ cấu bộ máy tổ chức bằng việc thay đổi lãnh đạo, nhưng Lọc hóa dầu Nghi Sơn cần tiếp tục tái cơ cấu các hoạt động, đặc biệt tái cơ cấu về mặt tài chính, chi phí và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, Công ty phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với các nhà phân phối, khi mà rõ ràng phía Việt Nam và các nhà phân phối đã có những cam kết rất chặt chẽ, cụ thể, nhưng Lọc hóa dầu Nghi Sơn lại chưa thể hiện sự cam kết của mình trong việc cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp đầu mối, thậm chí đột ngột thông báo dừng cung ứng gây khó cho đối tác.
"Sự cố là không ai mong muốn nhưng phải nỗ lực, có sự chia sẻ khó khăn, chia sẻ rủi ro cho những nhà phân phối. Đây là thông lệ quốc tế cần thực hiện. Cũng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã luôn nhắc nhở "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", vấn đề này là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị cần phải bảo đảm nguồn theo cam kết và phải nghiêm túc nghiên cứu, sớm chấp nhận điều khoản bồi hoàn cho người mua khi nhà máy gặp sự cố không giao được hàng cho khách hàng, giảm sản lượng. Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải cùng với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, các bạn hàng tham vấn các cơ quan chức năng để được hướng dẫn các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và thời điểm xuất hóa đơn trong hoạt động mua bán xăng dầu.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Thứ ba, không chỉ trước, trong sau Tết, mà về lâu dài, đặc biệt là tháng 5 khi bảo dưỡng định kỳ, Lọc hóa dầu Nghi Sơn ngay sau khi khắc phục sự cố phải khẩn trương đẩy công suất đến tối đa, nâng dự trữ kho chứa để có lượng hàng tối đa bù đắp cho khoảng hơn 50 ngày nhà máy thực hiện bảo dưỡng, kể cả sản phẩm và bán thành phẩm. Giữ vững kỷ cương về mặt thời gian, đảm bảo hoàn thành kế hoạch bảo dướng định kỳ đúng thời hạn.
Ngoài ra, trong tình huống không làm chủ được thời gian, kỹ thuật, Bộ trưởng đề nghị phải có sự thương thảo với các nhà phân phối để có thể thông qua họ, có thể nhập ủy thác, bảo đảm sản lượng cung ứng cho ổn định. Đây là yêu cầu hết sức cần thiết trong bối cảnh thị trường xăng dầu có nhiều biến động, rủi ro cho nhà phân phối rất lớn, nên cần có cơ chế tháo gỡ.
Thứ tư, Bộ trưởng đề nghị PVN, căn cứ vào kế hoạch mà Chính phủ và Bộ Công Thương giao, chỉ đạo cho 2 nhà máy tăng công suất tối đa có thể. Trong lúc Nghi Sơn bảo dưỡng thì Bình Sơn phải tăng công suất, có lượng hàng dự trữ thương mại lớn nhất, bù đắp được sản lượng cho dừng sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo cả 2 nhà máy có cơ chế thương thảo, chia sẻ lợi ích, rủi ro đối với các đơn vị có chúc năng phân phối xăng dầu để bảo đảm được sản lượng bị thiếu hụt.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn cung, tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt của nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong giai đoạn trước, trong và sau Tết nguyên đán và đến hết quý 1/2023. Thực hiện đúng tiến độ, tổng nguồn xăng dầu đã được Bộ Công Thương phân giao năm 2023.
Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi lời chúc tới toàn thể cán bộ, công nhân viên nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn luôn dồi dào sức khỏe, thành công, hạnh phúc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng thành viên đoàn công tác Bộ Công Thương đã trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra tiến độ khắc phục sự cố tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và thăm khu vực xuất - nhập hàng của nhà máy.