Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã cản trở việc sản xuất, xuất nhập khẩu của Nga, dẫn đến thâm hụt ngân sách ngày càng lớn…
Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Vương quốc Anh, Australia và nhiều quốc gia khác đã đưa ra một số vòng trừng phạt sâu rộng đối với Nga kể từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Trong khi mối đe dọa của các biện pháp như vậy rõ ràng là không đủ để kết thúc chiến tranh, nhưng đã để lại ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nga và khả năng tài chính của chính phủ nước này.
Việc hạn chế xuất khẩu sang Nga đã gây ra sự sụt giảm – và trong một số trường hợp là sụp đổ – quá trình sản xuất của nhiều lĩnh vực công nghiệp. Việc áp trần giá dầu chuyển bằng đường biển nhập khẩu từ Nga - được đưa ra lần đầu tiên vào tháng 12/2022 - đã có tác động lớn đến nguồn thu thuế liên bang của quốc gia này.
Điều này là đặc biệt quan trọng vì có tới 40% doanh thu thuế của Nga đến từ lĩnh vực năng lượng. Vì vậy, cuộc phản công kinh tế của phương Tây dường như đang phát huy tác dụng - nhưng tới mức độ nào?
Các biện pháp trừng phạt gây sức ép lên kinh tế Nga
Ngay sau khi cuộc chiến nổ ra, nước Nga đã tiến rất gần đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện. Giá trị bên ngoài của đồng rúp giảm khoảng 30% chỉ trong vài ngày và người Nga đã xếp hàng để rút tiền từ hầu hết mọi ngân hàng.
Ngân hàng trung ương Nga đã phản ứng bằng cách tăng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20% và đưa ra các hạn chế đối với việc rút tiền gửi và chuyển vốn. Những biện pháp này đủ để dập tắt sự hoảng loạn ban đầu trên thị trường tài chính Nga.
Tuy nhiên, giá năng lượng cao hơn và nhập khẩu thấp hơn đã nâng thặng dư tài khoản vãng lai của nước này lên mức kỷ lục mới là 233 tỷ USD (10,4% GDP) và điều này cũng hỗ trợ giá trị của đồng rúp.
Nhưng cú sốc chiến tranh và các gói trừng phạt sau đó đã có tác động kinh tế lớn ở nhiều khu vực hơn. Biến động trong tỷ giá hối đoái và cú sốc lạm phát đã hạ thấp mức sống của người dân Nga. Doanh số bán lẻ đã giảm 9,8% so với cùng kỳ vào tháng 4/2022 và chưa thực sự phục hồi kể từ đó.
Biểu đồ 1: Khối lượng giao dịch bán lẻ, tỷ lệ phần trăm thay đổi hàng năm (Nguồn: Rosstat & Macrobond)
Doanh số bán hàng tiêu dùng lâu bền (chẳng hạn như thiết bị gia dụng) đã bị ảnh hưởng nặng nề. Vào tháng 2/2023, mức thay đổi hàng năm trong thương mại bán lẻ vẫn là 7,8%. Nhưng vào tháng 4, mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái đã là 7,4%, vì giai đoạn cơ sở chịu suy sụp vì các lệnh trừng phạt. Doanh số bán ô tô đã giảm 45% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2022. Và trong quý đầu tiên của 2023, doanh số các dòng ô tô Trung Quốc đã vượt qua Lada, loại ô tô phổ biến nhất của Nga.
Cuối cùng, tình hình căng thẳng chính trị cũng ngăn cản nhiều người Nga đi du lịch đến Mỹ và các nước EU, những điểm đến du lịch từng rất phổ biến trong quá khứ. Hàng không Nga đã buộc phải cắt giảm đáng kể các tuyến bay quốc tế.
Ngoài ra, nhiều biện pháp trừng phạt cũng cấm xuất khẩu nhiều loại hàng hóa sang Nga. Ví dụ như hàng hóa nguyên liệu và linh kiện công nghệ cao. Trong 30 năm qua, nhiều bộ phận của nền kinh tế Nga đã hội nhập chặt chẽ với phần còn lại của thế giới. Các nhà máy sản xuất của xử sở Bạch Dương phụ thuộc vào dòng chảy ổn định của nguồn cung từ nước ngoài.
Tác động của tất cả những điều này có thể được quan sát rõ ràng trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Trước đây, hầu như tất cả thương hiệu ô tô toàn cầu đều đã thúc đẩy hoạt động tại Nga để sản xuất xe cho thị trường nội địa. Nhưng cho đến cuối mùa xuân 2022, sản lượng ô tô đã giảm gần 90% so với mức trước chiến tranh và chỉ phục hồi một phần nhỏ kể từ đó. Trong quý đầu tiên của năm 2023, sản lượng ô tô chỉ còn dưới 25% so với năm 2021. Tất cả các thương hiệu phương Tây đã rời khỏi thị trường: trong số 14 thương hiệu ô tô còn lại ở Nga, thì có 3 thương hiệu địa phương và 11 thương hiệu của Trung Quốc.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra trong ngành điện tử và máy móc. Ví dụ, sản xuất của Nga đối với toa xe lửa, ti vi, thang máy và cáp quang đều thấp hơn trước rất nhiều.
Tuy nhiên, sản lượng sản xuất tổng thể giảm tương đối ít. Tính riêng 2 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất của Nga chỉ giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều lĩnh vực có sản phẩm được sử dụng trong chiến tranh - ví dụ như luyện kim, dệt may và hàng y tế - chứng kiến có sự gia tăng lớn. Hiện tại, Nga vẫn có nguồn lực và khả năng dồi dào để tiếp tục sản xuất các hàng hóa đơn giản, ngay cả khi phải đối mặt với những hạn chế thương mại khắc nghiệt.
Nguồn tài chính nhà nước gặp khó khăn
Sau cuộc chiến Nga - Ukraine, giá năng lượng toàn cầu đã tăng vọt. Nhiều khách hàng châu Âu tự nguyện cắt giảm giao dịch mua dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Và vào mùa hè năm 2022, dòng khí đốt tự nhiên từ Nga đến các nước EU phải ngừng lại do các công ty năng lượng châu Âu từ chối thanh toán tiền khí đốt bằng đồng rúp.
Những diễn biến này làm giảm doanh thu xuất khẩu cũng như nguồn thu thuế của Nga. Tuy nhiên, một hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều đến từ quyết định của G7 nhằm hạn chế giá dầu nhập khẩu qua đường biển ở Nga ở mức 60 USD/thùng. Song song với đó là lệnh cấm nhập khẩu trực tiếp dầu thô của Nga. Một lệnh cấm tương tự đối với các sản phẩm dầu mỏ cũng được áp dụng vào ngày 5/22023, mặc dù đóng góp của dầu thô vào ngân sách Nga luôn lớn hơn nhiều so với các sản phẩm dầu mỏ.
Giá dầu thấp hơn và hoạt động kinh tế nói chung suy yếu đã dẫn đến doanh thu từ thuế giảm 45% trong quý đầu năm 2023 so với cùng kỳ 2022. Nga hiện đã điều chỉnh công thức được sử dụng để xác định số tiền thuế mà các công ty dầu mỏ phải trả nhằm tăng thuế năng lượng kể từ tháng 5/2023.
Biểu đồ 2. Cân đối ngân sách nhà nước liên bang hàng tháng (Nguồn: Bộ Tài chính Nga)
Nhìn một cách tổng thể, vào năm 2022, thâm hụt ngân sách liên bang của Nga lên tới 2,3% GDP và tăng cao hơn nữa vào cuối năm đó, khi chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn cho chính cuộc chiến.
Trong quý 1/2023, thâm hụt ngân sách liên bang của Nga ghi nhận mức 2.400 tỷ rúp, hơn một nửa số thâm hụt ngân sách cho cả năm. Nếu không có những thay đổi đáng kể trong kế hoạch chi tiêu, thâm hụt ngân sách chính phủ có thể dễ dàng lên tới 4-5% GDP trong năm nay. Theo truyền thống, các mô hình chi tiêu theo mùa có nghĩa là thâm hụt nhà nước thường lớn nhất trong quý cuối cùng của năm.
Mặt khác, chi tiêu chính phủ tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt là từ tháng 1 đến tháng 2/2023. Cụ thể, trong quý 1/2023, chi tiêu danh nghĩa của chính phủ liên bang tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng khi chiến tranh và các lệnh trừng phạt càng kéo dài, tình hình tài chính của Nga càng trở nên khó khăn hơn. Tiến hành một cuộc chiến đòi hỏi những khoản tiền khổng lồ. Trong ngân sách năm 2022 của Nga, một phần ba số tiền được phân bổ cho quân đội và an ninh nội bộ.
Chính phủ đưa ra dự kiến ngân sách chi tiêu ban đầu cho năm 2023 sẽ giảm, nhưng điều này hiện nay rõ ràng là rất phi thực tế.
Về lý thuyết, hậu quả từ các “đòn giáng” kinh tế sẽ dần tích lũy theo thời gian. Cuộc giao tranh có vẻ sẽ tiếp diễn trong nhiều tháng tới, với sự kìm kẹp của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây sẽ ngày càng chặt chẽ hơn đối với Nga.