Châu Âu gặp khủng hoảng nguồn nước trước một mùa hè khô hạn

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang phải vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng nguồn nước trước lo ngại về một mùa hè hạn hán do khủng hoảng khí hậu gây ra…

Nguồn nước ở châu Âu đang ngày càng khan hiếm do tình trạng khẩn cấp về khí hậu, với nhiệt độ trung bình cao kỷ lục trong suốt mùa xuân và một đợt nắng nóng lịch sử vào mùa đông gây thiệt hại rõ rệt cho các con sông và các khu trượt tuyết của khu vực.

Các hồ chứa nước ở các quốc gia Địa Trung Hải như Ý đã giảm xuống mức thấp đáng báo động sau một số đợt nắng nóng mùa hè trong những tuần gần đây, đe dọa khủng hoảng nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp.

chau-au-dang-vat-lon-voi-tinh-trang-thieu-nuoc-sach-truoc-mot-mua-he-kho-han_647da2c330e8d.jpg

Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối tình trạng thiếu nước sạch đã nổ ra ở cả Pháp và Tây Ban Nha. Diễn biến mới này xảy ra khi nhiệt độ chuẩn bị đạt tới mức cao trong suốt mùa hè và nhiều người lo ngại vấn đề nguồn nước vốn đã “rất bấp bênh” của châu Âu có thể trở nên tồi tệ hơn.

Dữ liệu vệ tinh được phân tích bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Graz của Áo vào đầu năm cho thấy hạn hán đang tác động đến châu Âu trên quy mô lớn hơn nhiều so với dự đoán trước đây của các nhà nghiên cứu.

Nghiên cứu được công bố sau khi các chuyên gia EU phát hiện ra rằng châu Âu đã trải qua mùa hè nóng nhất từ trước đến nay vào năm ngoái, với một đợt hạn hán tồi tệ nhất mà khu vực này từng chứng kiến trong ít nhất 500 năm.

Chloe Brimicombe, một nhà nghiên cứu khí hậu tại Đại học Graz của Áo đã chỉ ra rằng khu vực Trung và Tây Âu ít có sự chuẩn bị hơn. Trong những năm tới, hai khu vực này có thể sẽ gặp phải những hậu quả mà họ thực sự không ngờ tới. “Châu Âu cần nhận ra rằng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến họ. Châu Âu không chỉ cần giúp đỡ miền nam bán cầu mà còn ở chính trong nước họ. Điều đó có nghĩa là các biện pháp ngăn ngừa biến đổi khí hậu cần phải được thực hiện mạnh mẽ hơn”.

khủng hoảng nguồn nước

Kể từ năm 2018, những tác động tiêu cực của hạn hán đã trở nên rõ ràng hơn khi nước rút làm tàn phá quá trình sản xuất lương thực và năng lượng, trong khi nhiều loài thủy sinh bị mất môi trường sống.

Torsten Mayer-Gürr, tác giả chính của nghiên cứu vệ tinh cho biết: “Một vài năm trước, tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng nước sẽ là một vấn đề ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức hoặc Áo”.

Tại Tây Ban Nha, nơi có nhiệt độ tăng lên gần 40 độ C vào tháng 4, Thủ tướng Pedro Sanchez cũng cảnh báo trong cùng tháng rằng hạn hán đã trở thành một trong những mối lo ngại hàng đầu của nước này. “Chính phủ Tây Ban Nha và tôi biết rằng cuộc tranh luận xung quanh hạn hán sẽ là trọng tâm trong những năm tới,” ông Pedro Sanchez nói với Quốc hội, theo The Associated Press.

Tháng trước, chính phủ Tây Ban Nha đã phê duyệt gói hỗ trợ 2,2 tỷ euro (2,4 tỷ USD) trong nỗ lực giảm bớt tác động của hạn hán đối với ngành nông nghiệp của nước này.

Trong khi đó, Đài quan sát hạn hán châu Âu đã cảnh báo trong một báo cáo tổng quan vào đầu năm nay rằng các điều kiện vào cuối mùa đông vừa qua khi nhiệt độ cao và thiếu lượng mưa dẫn đến hạn hán lan rộng và kéo dài hiệu ứng tới phần lớn lục địa.

“Vì an ninh nước trên khắp châu Âu, chúng ta thực sự cần phải thay đổi cách chúng ta xử lý nước. Tôi nghĩ rằng các sự kiện năm ngoái thực sự là một hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều nhà hoạch định chính sách ở châu Âu”, bà Samantha Burgess, phó giám đốc Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus chia sẻ với CNBC.