Chính phủ đồng ý cấp phép lại cho nhiều mỏ đất đắp dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Ngày 1/4, Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 47/NQ-CP thí điểm về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết…

cao tốc vĩnh hảoCấp phép lại nhiều mỏ đất đắp dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh minh họa

Theo đó, đối với 6 mỏ đất đắp đã hết hạn giấy phép, không đủ điều kiện gia hạn, Chính phủ đã đồng ý cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đất đắp cho nhà thầu trước đó, trên cơ sở trữ lượng khoáng sản còn lại và hồ sơ, tài liệu hiện có, không phải lập lại dự án đầu tư, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu nhà thầu điều chỉnh tiến độ dự án đầu tư khai thác khoáng sản cho phù hợp với thời gian cấp lại giấy phép.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tại Công văn số 812/UBND-KT ngày 15/3/2023, việc cấp lại các giấy phép nêu trên vẫn có những khó khăn, vướng mắc, không thể kịp tiến độ như yêu cầu.

Do đó, để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong việc cung cấp đất đắp cho các gói thầu tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Chính phủ thống nhất quyết nghị đối với các mỏ được cấp cho dự án theo Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ về áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam đã hết hạn khai thác nhưng còn trữ lượng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận căn cứ chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết nêu trên để quyết định cho phép các nhà thầu tiếp tục khai thác ngay các mỏ vật liệu cung cấp cho dự án theo trữ lượng ghi trong Giấy phép đã cấp.

Được biết, công suất khai thác và địa chỉ sử dụng khoáng sản thực hiện theo nội dung Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP của Chính phủ. Sau khi kết thúc khai thác, yêu cầu các nhà thầu thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, bàn giao đất cho địa phương quản lý theo quy định.

Đồng thời Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung Luật Khoáng sản để đáp ứng các vấn đề thực tiễn đang phát sinh trong thời gian tới.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 101 km, tổng mức đầu tư khoảng 11.603 tỷ đồng, đi qua 4 huyện của Bình Thuận, điểm đầu km 134, thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, điểm cuối km 235 giao với đường Quốc lộ 1 - Mỹ Thạnh, trùng với điểm đầu dự án Dầu Giây - Phan Thiết thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam.

Như Thuonggia.online đưa tin, vào ngày 3/3, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ cho phép các nhà thầu trong thời gian thực hiện các thủ tục gia hạn được phép khai thác các mỏ đất để phục vụ thi công dự án.

Theo Bộ Giao thông vận tải, nhu cầu đất đắp còn lại của dự án khoảng 920.000 m3, do chưa được gia hạn nên từ ngày 10/12/2022 đến nay (khoảng 80 ngày) các nhà thầu không có vật liệu đất để thi công, máy móc, thiết bị, nhận lực đã huy động phải chờ đợi, gây lãng phí.

Trước đó, ngày 1/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi tờ trình đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc trong khai thác mỏ đất đắp cho các gói thầu xây dựng cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo vào kỳ họp tháng 3.

Theo đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ đồng ý để Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cấp lại giấy phép khai thác mỏ đất đã thực hiện trước đó trên cơ sở trữ lượng khoáng sản còn lại và hồ sơ hiện có. Các nhà đầu tư không phải lập lại dự án cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường.