Chứng khoán Mỹ chao đảo khi các nhà đầu tư tiếp tục quan ngại về lãi suất

Các chỉ số chính của Phố Wall đã giảm hơn 1% vào 26/9 với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giữ ở mức cao nhất trong nhiều năm. Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn đang vật lộn với triển vọng lãi suất cao trong thời gian dài và lo ngại về suy thoái kinh tế…

Chứng khoán Mỹ: Kết thúc phiên 26/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 388,00 điểm (-1,14%) còn 33.618,88 điểm, S&P 500 mất 63,91 điểm (-1,47%) xuống 4.273,53 điểm và Nasdaq Composite giảm 207,71 điểm (-1,57%) thành 13.063,61 điểm.

Dow Jones ghi nhận đà giảm phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 3, trong khi cả hai chỉ số còn lại đều đóng cửa ở mức thấp nhất trong hơn ba tháng.

Tất cả 11 lĩnh vực S&P 500 đều giảm điểm. Lĩnh vực công nghệ nặng mất 1,8%, nhóm tiện ích và bất động sản nhạy cảm với lãi suất lần lượt trượt 3,05% và 1,8%.

Chỉ số biến động CBOE, hay còn được gọi là “thước đo nỗi sợ hãi” của Phố Wall, đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 25/5.

Cổ phiếu siêu vốn hoá, vốn có công thúc đẩy các chỉ số tăng cao trong năm nay, đều đã lao dốc vào thứ Ba. Trong đó, Amazon.com mất đến 4% khi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đệ đơn kiện chống độc quyền đối với nhà bán lẻ trực tuyến.

Alphabet giảm 2%, tiếp theo đó Microsoft Corporation và Apple Inc vì lãi suất cao hơn khiến lợi nhuận trong tương lai có vẻ ít giá trị hơn và điều này tác động đặc biệt nghiêm trọng đến các lĩnh vực tăng trưởng có giá cao hơn.

Ngược lại, gây ấn tượng nhất trong ngày có lẽ là hoạt động của cổ phiếu Immunovant, với đà leo dốc gần 97% khi dữ liệu giai đoạn đầu về thử nghiệm phương pháp điều trị bằng kháng thể của nhà phát triển thuốc vượt quá mong đợi của các nhà phân tích.

Khoảng 10,2 tỷ cổ phiếu đã được giao dịch trên các sàn của Mỹ, bằng với mức trung bình trong 20 phiên vừa qua.

Các nhà đầu tư đang tập trung vào chỉ số giá tiêu dùng cá nhân vào 29/9 tới để có cái nhìn mới về bức tranh lạm phát. Tuần này cũng mang đến các dữ liệu về hàng hóa lâu bền và tổng sản phẩm quốc nội quý 2 của Mỹ, cũng như nhận xét của các nhà hoạch định chính sách và Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Một trong những lý do khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng hơn cả là khả năng chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa một phần vào cuối tuần, điều mà cơ quan xếp hạng Moody's cảnh báo sẽ gây tổn hại đến tín dụng của nước này.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn đã chạm mốc cao nhất trong 16 năm do tuyên bố có phần diều hâu về triển vọng lãi suất trong dài hạn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần trước.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng gần 1% vào ngày 26/9.

Giá đã phục hồi từ mức thấp nhất trong hai tuần trong phiên giao dịch sớm do dự kiến về nguồn cung thắt chặt bị lấn át bởi lo ngại rằng triển vọng kinh tế không chắc chắn sẽ làm giảm nhu cầu.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 67 cent, tương đương 0,7%, ở mức 93,96 USD/thùng. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI của Mỹ tăng 71 xu, tương đương 0,8%, ở mức 90,39 USD/thùng.

Vào đầu tuần này, Nga đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel. Các sản phẩm mà 2 Tập đoàn Đường sắt Nga và Transneft chấp nhận có thể được xuất khẩu, trong khi dầu khí và nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao sẽ được miễn. Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng chất lượng cao vẫn được áp dụng.

Nguồn cung dầu hiện vẫn thắt chặt do Nga và Arab Saudi kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm.

Các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), trong những ngày gần đây đã nhắc lại cam kết chống lạm phát, báo hiệu chính sách thắt chặt tiền tệ có thể kéo dài lâu hơn dự đoán. Lãi suất cao hơn làm chậm tăng trưởng kinh tế và từ đó hạn chế nhu cầu dầu mỏ.

Andy Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates LLC cho biết: “Các sản phẩm tinh chế vẫn chịu áp lực do lo ngại giá dầu tăng kết hợp với lãi suất cao trong thời gian dài hơn có thể làm giảm nhu cầu”.

Tin liên quan