Trong khi Dow Jones ghi nhận mức tăng 0,3% thì áp lực từ lợi tức kho bạc cao đã nhấn chìm các cổ phiếu tăng trưởng siêu vốn hoá, từ đó khiến Nasdaq và S&P 500 đỏ lửa...
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 105,25 điểm (+0,3%) lên 35.281,4 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 4,78 điểm (-0,11%) xuống 4.464,05 điểm và Nasdaq Composite giảm 76,18 điểm (-0,56%) còn 13.644,85 điểm.
Trong số các lĩnh vực S&P chính, chăm sóc sức khỏe và năng lượng đều tăng. Tuy nhiên, cả hai đều nằm trong số những ngành hoạt động kém nhất trong năm nay, mặc dù năng lượng đã đạt mức tăng mạnh nhất trong năm khi đóng cửa cao hơn trong phiên thứ bảy liên tiếp. Mức tăng 1,6% của ngành năng lượng được hỗ trợ bởi giá dầu thô tăng do dự báo thắt chặt nguồn cung từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Occidental Petroleum Corp là một trong những mã tăng mạnh nhất, tăng 3,3%, sau khi một trong các đơn vị của họ nhận được khoản trợ cấp từ chính phủ Mỹ để hỗ trợ tham vọng thu hồi carbon của họ.
Kết thúc tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,6%. Trong khi đó, S&P 500 giảm 0,3% và Nasdaq giảm 1,9%. Đây là lần đầu tiên trong năm 2023 Nasdaq giảm ở hai tuần liên tiếp.
Về khía cạnh kinh tế, chính phủ Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,8% trong tháng 7, cao hơn mức tăng 0,2% trong tháng trước do chi phí dịch vụ tăng.
Mặc dù các nhà giao dịch kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạn chế thắt chặt các điều kiện tín dụng trong thời gian còn lại của năm, nhưng tỷ lệ đặt cược cho việc không tăng lãi suất trong tháng 9 đã giảm từ 90% xuống 88,5%.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm, di chuyển phù hợp với kỳ vọng lãi suất ngắn hạn, đã tăng lên 4,88%.
Động thái này đè nặng lên các tên tuổi công nghệ lớn, vì lãi suất cao có thể làm chậm nền kinh tế và khiến các công ty khó đạt được dự báo tăng trưởng khả quan, điều vốn đã đẩy họ đến mức định giá cao.
Lãi suất cao hơn cũng có thể khiến trái phiếu trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho cổ phiếu đối với một số nhà đầu tư ngại rủi ro.
Tesla, Meta Platforms Inc và Microsoft đều đóng cửa với mức giảm từ 0,6% đến 1,3%.
Đà giảm 3,6% của Nvidia ảnh hưởng đến chỉ số chất bán dẫn, vốn thấp hơn 2,3%. Đây là lần giảm thứ tư liên tiếp và là lần giảm thứ tám trong chín phiên của tháng 8. Mức giảm 5% hàng tuần được đánh giá hiệu suất tồi tệ nhất của chỉ số chất bán dẫn kể từ đầu tháng 4.
Các cổ phiếu công nghệ đã dẫn đến mức tăng vượt trội trong năm nay của Nasdaq và S&P 500 nặng về công nghệ. Nhưng sau 5 tháng tăng trưởng kéo dài, tháng 8 cho đến nay được đánh dấu bằng cách tiếp cận thận trọng hơn từ các nhà đầu tư.
Trong số các diễn biến khác, News Corp tăng 4,6% sau khi tập đoàn truyền thông thuộc sở hữu của Rupert Murdoch đánh bại ước tính lợi nhuận hàng quý nhờ nỗ lực cắt giảm chi phí.
Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của công ty Trung Quốc Alibaba và JD lần lượt giảm 3,5% và 5,3% do các biện pháp kích thích kinh tế mới nhất của Bắc Kinh khiến các nhà đầu tư thất vọng, trong khi dữ liệu mới cho thấy sự phục hồi sau đại dịch của nước này đến nay đã hụt hơi.
Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 10,19 tỷ cổ phiếu, thấp so với mức trung bình 10,93 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu cao hơn vào phiên 11/8 sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung thắt chặt trong khi nhu cầu toàn cầu đạt kỷ lục, tiếp tục đẩy giá dầu lên tuần tăng thứ bảy liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ năm 2022.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 41 cent, tương đương 0,5%, lên 86,81 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 37 cent, tương đương 0,5%, lên 83,19 USD. Trên cơ sở hàng tuần, cả hai điểm chuẩn đều tăng khoảng 0,5%.
IEA ước tính rằng mức kỷ lục 103 triệu thùng/ngày của nhu cầu dầu toàn cầu trong tháng 6 có thể sẽ mở rộng lên một đỉnh khác trong tháng này.
Trong khi đó, việc cắt giảm sản lượng từ Arab Saudi và Nga đã tạo tiền đề cho lượng hàng tồn kho giảm mạnh trong thời gian còn lại của năm 2023, điều mà IEA cho rằng có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.