Chuyển mục đích sử dụng 239,43 ha đất tại Hải Dương để phát triển khu công nghiệp

Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, tỉnh này sẽ chuyển mục đích sử dụng 239,43 ha đất phục vụ phát triển 3 khu công nghiệp…

Chuyển mục đích sử dụng Một góc khu công nghiệp Gia Lộc

Cụ thể, trong 5 khu công nghiệp đang triển khai giải phóng mặt bằng, có 3 khu công nghiệp đã được UBND tỉnh Hải Dương chuyển mục đích sử dụng 239,43 ha đất để xây dựng kết cấu hạ tầng giai đoạn 1, chiếm 36,2% tổng diện tích quy hoạch.

Theo đó, khu công nghiệp Gia Lộc được chuyển mục đích sử dụng đất nhiều nhất với 98,81 ha, đứng thứ hai là khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2, với 96,57 ha và khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng 44,05 ha.

Hiện nay, chủ đầu tư các khu công nghiệp trên đang đẩy nhanh tiến độ san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư. Dự kiến các khu công nghiệp này sẽ bắt đầu thu hút đầu tư trong quý 4/2023.

Đối với 2 khu công nghiệp còn lại, có tiến độ giải phóng mặt bằng chậm do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất. Trong đó, khu công nghiệp Tân Trường mở rộng đã giải phóng mặt bằng 71 ha, đạt 63% tổng diện tích, còn khu công nghiệp Kim Thành đã giải phóng mặt bằng được 30 ha, đạt 18% tổng diện tích.

Hiện, tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp vớ 24 khu công nghiệp với tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha. Trong đó, có 11 khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng và đang vận hành, khai thác kinh doanh với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.470 ha.

Về đầu tư bình quân hạ tầng khu công nghiệp khoảng 6,5 tỷ đồng/ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình các khu công nghiệp đạt khoảng 85% trên tỷ lệ đất công nghiệp đã được bàn giao, phần diện tích còn lại có thể cho thuê tại các khu công nghiệp đang hoạt động là không nhiều.

Theo số liệu của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đến cuối năm 2022, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 309 dự án thứ cấp, trong đó có 241 dự án FDI thứ cấp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4,9 tỷ USD và 68 dự án đầu tư trong nước (DDI) thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 12.445 tỷ đồng, vốn đầu tư bình quân của dự án khoảng trên 17,5 triệu USD/dự án.

Các dự án đi vào hoạt động đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn và là một trong các nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh. Hiện cơ cấu công nghiệp chiếm gần 55% GRDP của Hải Dương, định hướng đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp sẽ chiếm 64%.

Tin liên quan