Trong tuần giao dịch (3/7 – 7/7) vừa qua, thị trường chứng khoán ghi nhận 14 mã cổ phiếu ngân hàng giảm, 12 mã cổ phiếu tăng và duy nhất 1 mã đứng giá…
Trong tuần vừa qua (3/7 – 7/7), cổ phiếu ngân hàng phân hóa mạnh với 12 mã tăng giá, 14 mã giảm và một mã đứng tham chiếu. Cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần qua là NVB với mức giảm -8,5%. Trong cả 5 phiên giao dịch trong tuần, mã NVB đều kết phiên trong sắc đỏ, quay trở lại vùng giá 14.000 đồng/cổ phiếu.
Theo sau NVB là mã cổ phiếu EIB của ngân hàng Eximbank với mức giảm sâu -4,7%, trước áp lực bán của khối ngoại và những biến động về thượng tầng ngân hàng trước đó.
Tương tự, một số cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến tiêu cực trong tuần như: PGB (-3,4%), VAB (-2,8%), TCB (-2,5%), KLB (-1,8%), ACB (-1,6%), HDB (-1,3%), SGB (-1,3%), OCB (-1,1%). Ở mức giảm nhẹ dưới 1% là các mã cổ phiếu ngân hàng: BAB (-0,7%), STB (-0,7%), BVB (-0,6%), ABB (-0,4%).
Ở chiều ngược lại, NAB của NamABank là mã cổ phiếu ngân hàng tăng tốt nhất tuần qua với mức +8,8%, tạm đóng cửa tại mức 12.200 đồng/cổ phiếu. Ở phiên giao dịch ngày 6/7, mã cổ phiếu này đã có lúc tăng vọt lên mức 13.500 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây.
Ngoài NAB, SHB cũng là mã cổ phiếu ngân hàng tăng ấn tượng với mức +8%, kết tuần tại mức 13.500 đồng/cổ phiếu, trở lại vùng giá tháng 8 năm ngoái. Đà tăng của cổ phiếu SHB diễn ra trong bối cảnh có thông tin ngân hàng này đang trong quá trình làm việc để bán 20% vốn cổ phần cho đối tác chiến lược trong 2023.
Kế tiếp là hai mã LPB cà SSB với mức tăng tốt, lần lượt là +6,3% và +5,9%. Đáng chú ý, trong phiên cuối cùng của tuần, cổ phiếu VCB bật tăng 4,3%, giúp mã này đạt mức tăng +5% tính chung trong cả tuần qua, đưa giá trị vốn hóa của Vietcombank trở lại mức xấp xỉ 500.000 tỷ đồng.
Trong tuần giao dịch (3/7 – 7/7), thị trường cũng ghi nhận nhiều mã cổ phiếu ngân hàng tăng nhẹ, điển hình như: BID (+2,2%), MBB (+1,2%), VBB (+0,9%), VIB (+0,8%), MSB (0,4%), CTG (0,3%), TPB (0,3%).
Cổ phiếu VPB của VPBank là mã cổ phiếu ngân hàng duy nhất đứng giá trong tuần giao dịch vừa qua, hiện đang đứng tại mức 19.850 đồng/cổ phiếu.
Thay đổi giá trong tuần 3/7 – 7/7
Thanh khoản toàn ngành tăng nhẹ trở lại trong tuần qua với 802 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị đạt 16.329 tỷ đồng (tăng 4,3%). Đứng đầu tiếp tục là STB với giá trị giao dịch đạt hơn 2.334 tỷ đồng, toàn bộ được giao dịch theo phương thức khớp lệnh.
Trước thông tin về việc đàm phán bán vốn và chốt danh sách chia cổ tức, giao dịch cổ phiếu SHB cũng nhộn nhịp trở lại với mức hơn 1.922 tỷ đồng, gần gấp đôi so với tuần trước đó.
Thanh khoản của EIB cũng tăng gấp rưỡi so với tuần trước đó với mức 1.826 tỷ đồng. Tuy nhiên, cổ phiếu này chịu nhiều áp lực từ các nhà đầu tư nước ngoài khi nhóm này bán ròng 726 tỷ đồng trong tuần qua, hầu hết được thực hiện trong phiên cuối cùng 7/7.
Bên cạnh EIB, STB cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh trong tuần này với hơn 273 tỷ đồng. Tính chung trong 2 tuần trở lại, STB đã bị khối ngoại bán ròng 470 tỷ đồng. Trong khi ở chiều ngược lại, nhóm này không mua ròng cổ phiếu ngân hàng nào quá 20 tỷ đồng.
Cùng với đó, khối tự doanh đã mua ròng vào 195 tỷ đồng cổ phiếu STB, 72 tỷ đồng cổ phiếu VCB và 59 tỷ đồng cổ phiếu VIB.
Trong tuần vừa qua, ngành ngân hàng chứng khiến sự “thay máu” của dàn lãnh đạo cấp cao tại PG Bank. Cụ thể, Ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên Tổng Giám đốc PG Bank, sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng từ ngày 3/7/2023.
Về phía ban điều hành PG Bank cũng có sự thay đổi lớn khi ông Phạm Mạnh Thắng sẽ chính thức giữ vị trí Quyền Tổng Giám đốc kể từ ngày 2/7/2023 thay cho ông Nguyễn Phi Hùng.
Một nhân sự cấp cao cũng mới chính thức được bổ nhiệm tại PG Bank là Bà Đinh Thị Huyền Thanh. Bà Thanh sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực tại PG Bank từ ngày 2/7/2023.
Trong khi đó, ông Đỗ Quang Vinh cùng ông Lê Đăng Khoa đã rút khỏi Hội đồng quản trị của SHS Finance sau khi SHB hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho đối tác Thái Lan.
Song song với đó, ngân hàng SHB đã chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18% vào ngày 25/7. Sau khi thực hiện chi trả cổ tức , vốn điều lệ của SHB sẽ tăng thêm hơn 5.520 tỷ đồng lên 36.194 tỷ đồng.
Theo thông báo mới đây của ngân hàng Vietcombank cho biết, ngày 26/7 là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức tỷ lệ 18,1% từ nguồn lợi nhuận còn lại các năm trước. Vốn điều lệ của Vietcombank dự kiến tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, lên 55.891 tỷ đồng.
Về phía ngân hàng MB cho biết, sẽ phát hành khoảng 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 17/7/2023.