Trong tuần giao dịch vừa qua (24/7 - 28/7), thị trường ghi nhận 17 mã cổ phiếu ngân hàng tăng, 10 mã giảm và không có mã nào đứng giá…
Diễn biến cổ phiếu ngân hàng tuần qua (24/7 - 28/7) tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực với 17 mã tăng giá và 10 mã giảm. Trong đó, mã VBB của ngân hàng Vietbank có mức tăng mạnh nhất (+13,1).
Trong phiên cuối cùng của tuần, cổ phiếu VBB biến động mạnh, có thời điểm tăng vọt lên mức 13.200 đồng/cổ phiếu, song chịu áp lực bán trong phiên chiều để đóng cửa tại mức 11.700 đồng/cổ phiếu.
Theo sau là mức +6,4% của cổ phiếu SGB, kết tuần tại mức giá 14.500 đồng/cổ phiếu. Trong tuần qua, TCB và VCB cũng là 2 mã cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HOSE có đà tăng tốt nhất tuần (+4,6%). Là cố phiếu có vốn hóa lớn, với mức tăng này, VCB cũng là mã có ảnh hưởng tích nhất nhất tới VN-Index tuần qua xét theo số lượng cổ phiếu lưu hành.
Tương tự, một số cổ phiếu ngân hàng cũng kết tuần trong sắc xanh với mức tăng 3% như: MSB (+3,4%); VPB (+3,3%); SHB (+3,3%); OCB (+3%). Ngoài ra, một số mã cổ phiếu có mức tăng nhẹ là: EIB (+1,7%); SSB (+1,4%); VIB (+1%); NVB(+0,7%); ACB (+0,5%); LPB (+0,3%); HDB (+0,3%); MBB (+0,3%); BVB (+0,1%).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu KLB của ngân hàng KienlongBank có mức giảm mạnh nhất tuần giao dịch qua (-3,2%), hiện giá tham chiếu đang dừng ở mức 13.500 đồng/cổ phiếu.
Kế tiếp là mã cổ phiếu NAB của Nam A Bank với mức giảm 3,1% và mã PGB của PG Bank giảm 2,6% sau 5 phiên giao giao dịch. Đáng chú ý, 3 mã giảm nhiều nhất trong tuần qua đều đang được niêm yết trên sàn UPCoM.
Mặc dù trong tuần giao dịch (24/7 - 28/7) ghi nhận một vài mã cổ phiếu ngân hàng giảm, tuy nhiên mức điều chỉnh lại không quá lớn. Trong đó bao gồm: BAB (-2,1%); ABB (-1,5%); CTG (-0,7%); STB (-0,3%); TPB (-0,3%); BID (-0,1%); VAB (-0,1%).
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 10% so với tuần trước đó, với gần 960 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương đương với giá trị đạt 19.642 tỷ đồng. Vị trí dẫn đầu về thanh khoản, vốn thuộc về STB nhiều tuần trước đó, đã thuộc về VPB tuần này với giá trị giao dịch đạt 2.767 tỷ đồng. STB đứng sát sau đó với mức xấp xỉ 2.700 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thanh khoản của cổ phiếu MSB tăng vọt trong tuần này, với hơn 2.355 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần so với tuần trước đó. Kết phiên giao dịch ngày 28/7, có gần 50 triệu cổ phiếu MSB được trao tay giữa các nhà đầu tư theo cả phương thức khớp lệnh và thỏa thuận, mức cao nhất trong gần 2 năm trở lại.
Thanh khoản của MSB tăng cao trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu này. Trong tuần, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 305 tỷ đồng cổ phiếu MSB, mức cao nhất thị trường, nâng tổng lượng bán ròng trong 2 tuần trở lại lên 570 tỷ đồng.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng 151 tỷ đồng cổ phiếu CTG và 120 tỷ đồng STB. Ngược lại, nhóm này cũng mua ròng gần 150 tỷ đồng cổ phiếu HDB.
Ở một diễn biến khác, nhóm tự doanh tiếp tục gom VPB khi mua ròng thêm 150 tỷ đồng cổ phiếu này, nâng tổng giá trị mua ròng trong 2 tuần trở lại lên hơn 460 tỷ đồng.
Trong tuần vừa qua đã có thêm nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, Vietcombank báo lãi hơn 9.278 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt gần 20.500 tỷ đồng, tăng 18%.
Tại ngân hàng VietinBank, lợi nhuận trước thuế đạt 12.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một ngân hàng quốc doanh khác là BIDV cũng báo lãi trước thuế quý 2/2023 đạt 6.943 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng MB trong quý 2/2023 đạt 6.223 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, lợi nhuận hợp nhất của MB đạt 12.735 tỷ, tăng 7%. Với kết quả này, MB đứng thứ 3 trong hệ thống về lợi nhuận, sau BIDV (13.862 tỷ), Vietcombank (20.499 tỷ) và đứng trước VietinBank (12.531 tỷ).
Theo báo cáo tài chính của Eximbank, lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 chỉ đạt 535 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.405 tỷ, giảm 26%.
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của OCB đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Nhiều mảng kinh doanh của OCB có kết quả khả quan. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 5,8%, đạt 3.568 tỷ. Đặc biệt, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng tới 5 lần, đạt 111 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt 332 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ bị lỗ 167 tỷ.
Một sự kiện đáng chú ý khác, ngân hàng ACB dự kiến phát hành riêng lẻ 20.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn.