Công ty CP Cơ điện công trình: Hành trình đưa 2 khu “đất vàng” thành cao ốc

Công ty CP Cơ điện công trình hành trình đưa 2 khu “đất vàng” thành cao ốc

Công ty CP Cơ điện công trình được Hà Nội giao quản lý, sử dụng 2 khu “đất vàng” để sản xuất kinh doanh. Trong quá trình cổ phần hóa hòa lẫn sự nhập cuộc của các nhà đầu tư, 2 khu “đất vàng” này đã và đang trở thành cao ốc có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, mục đích lớn của Hà Nội là thoái vốn nhà nước vẫn chưa thể hoàn tất.

Cổ phần hóa chưa thành!

Công ty CP Cơ điện công trình có trụ sở tại tầng 8, tòa tháp A, Tòa nhà Tổ hợp Sky Tower, 88 Láng Hạ, Hà Nội.

Tiền thân là một đơn vị hậu cần của ngành giao thông công chính Hà Nội, thuộc Xí nghiệp Cơ Điện công trình một doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ thiết kế, sản xuất, đại tu những thiết bị máy móc chuyên dùng của ngành giao thông công chính. Năm 1992, Xí nghiệp Cơ Điện công trình được UBND TP Hà Nội cho phép thành lập công ty với Công ty Cơ điện công trình Hà Nội.

Từ năm 2005 - 2011, UBND TP Hà Nội quyết định chuyển đổi Công ty Cơ điện công trình thành Công ty TNHH MTV Cơ điện công trình.

Thực hiện mục tiêu của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành Công ty CP, Công ty TNHH MTV Cơ điện công trình từng bước tiến hành các thủ tục để chuyển đổi thành công ty cổ phần. Trong đó Công ty đã thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, thông qua việc bán đấu giá 6.224.400 cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 29/10/2015 với giá đấu thành công cao nhất là 10.200đ/CP, giá đấu thành công thấp nhất là 10.000đ/CP và giá đấu thành công bình quân là 10.039đ/CP.

Đến tháng 3/2016, UBND TP Hà Nội chính thức ra quyết định về việc chuyển công ty TNHH MTV Cơ điện công trình thành Công ty CP Cơ điện công trình như ngày nay.

Bắt đầu từ năm 2018, thực hiện đề xuất của Sở Tài chính Hà Nội và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội cho phép Tổ quản lý vốn nhà nước tại Công ty thực hiện thoái 183.393.800 cổ phần nhà nước, tương ứng 183,938 tỷ đồng (chiếm 98,9% vốn điều lệ) theo phương thức giao dịch khớp lệnh.

Khá lạ, dù doanh nghiệp này được giao quản lý, sử dụng 2 khu “đất vàng” là số 4 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm; và thửa đất gần 01ha tại phố Sài Đồng, phường Việt Hưng nhưng trong năm 2018 doanh nghiệp này thực hiện 2 lần thoái vốn đều không thành công. Đến tháng 7/2020, UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu Công ty CP Cơ điện công trình lập phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất gửi Sở Tài chính chủ trì, cùng các sở, ngành thẩm định, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Tìm hiểu của phóng viên, đến nay Công ty CP Cơ điện công trình vẫn chưa thể thoái vốn theo kế hoạch. Vấn đề này cũng không quá khó hiểu, khi Công ty CP Cơ điện công trình còn nhiều vướng mắc tại những khu “đất vàng”, đặc biệt là những khu đất này trước đó đã có sự góp mặt của các nhà đầu tư tư nhân.

anh_viber_2022-07-20_11-10-03-108.jpgKhu “đất vàng” số 4 Trần Hưng Đạo đang được quây tôn, bỏ hoang lãng phí

“Đất vàng” dưới bàn tay tư nhân

Trong vốn cơ sở nhà đất Công ty CP Cơ điện công trình được UBND TP Hà Nội giao quản lý, sử dụng phải nhắc đến khu “đất vàng” số 4 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm; và thửa đất gần 01ha tại phố Sài Đồng, phường Việt Hưng.

Đối với khu đất 281m2 tại số 4 Trần Hưng Đạo, được UBND TP Hà Nội cho thuê với thời hạn 30 năm (từ 21/8/2000 đến 21/8/2030) để làm trụ sở.

Tuy nhiên, ngay tháng 8/2002, UBND TP Hà Nội có văn bản đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của Công ty CP Sông Hồng về việc lập “Dự án đầu tư xây dựng tòa nhà cao tầng đa năng tại số 4 Trần Hưng Đạo”.

Năm 2005, giữa Công ty CP Sông Hồng và Công ty CP Cơ điện công trình ký kết Hợp đồng hợp tác đầu tư. Hợp đồng nêu rõ hai bên hợp tác xây dựng dự án Tòa nhà Đa chức năng tại số 4 Trần Hưng Đạo, trên tổng diện tích mặt bằng 4.402m2. Công ty CP Cơ điện công trình được quyền sở hữu toàn bộ diện tích tầng 4 (khu văn phòng) của Tòa nhà mà không phải chịu chi phí xây dựng; được Công ty CP Sông Hồng thanh toán, chi phí thuê nhà, diện tích 500m2 sử dụng và kinh phí chuyển dọn đi, dọn về để bảo đảm nơi làm việc cho Công ty CP Cơ điện công trình cho đến khi bàn giao tòa nhà.

Tuy nhiên, đến năm 2015 Công ty CP Cơ điện công trình và Công ty CP Sông Hồng tiếp tục ký kết biên bản thỏa thuận và Hợp đồng trao đổi tài sản. Trong đó có nội dung, tài sản của Công ty CP Cơ điện công trình là bất động sản tại số 4 Trần Hưng Đạo diện tích 281m2 đất, diện tích nhà 1.121m2. Tài sản của Công ty CP Sông Hồng là toàn bộ sàn văn phòng tầng 8, Tòa tháp A, Tòa nhà Sky Tower, số 88 Láng Hạ, diện tích đã hoàn thiện theo biên bản đo đạc xác định giữa Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam và Công ty TNHH Hanotex là 1.029,32m2.

“Hai bên cam kết sẽ chuyển đổi cho nhau theo đúng diện tích, đúng hiện trạng, đúng thời gian và đầy đủ hồ sơ pháp lý có liên quan đến nhà và đất”.

Ngày 10/6/2015, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận đề nghị của Sở Tài chính cho phép Công ty CP Cơ điện công trình được hoán đổi nhà văn phòng của Công ty với diện tích 1.124m2 trên diện tích 281m2 đất thuê trả tiền hằng năm tại số 4 Trần Hưng Đạo cho Công ty CP Sông Hồng để nhận 1.029m2 sàn xây dựng tại tầng 8, Tòa nhà tổ hợp Sky Tower, số 88 Láng Hạ với giá trị hoán đổi 42,688 tỷ đồng. Công ty CP Sông Hồng có trách nhiệm hỗ trợ Công ty CP Cơ điện công trình 6 tỷ đồng.

Từ 9/7 - 27/8/2015, hai bên đã tiến hành bàn giao địa điểm trụ sở hoán đổi và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, việc hoán đổi chưa thực hiện dứt điểm do có sai khác về diện tích, số tầng, khác với thông tin trên hồ sơ thỏa thuận hoán đổi. Cụ thể, trên hồ sơ hoán đổi là tầng 8, tòa nhà Sky Tower, diện tích 1.029m2 nhưng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà là tầng 9, diện tích 984,5m2. Dẫn đến việc Công ty CP Cơ điện công trình chưa nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích văn phòng trên.

Đến nay, theo khảo sát của PV, hiện trạng khu “đất vàng” số 4 Trần Hưng Đạo đang bỏ hoang, được quây tôn xung quanh.

Không chỉ có “đất vàng” 4 Trần Hưng Đạo, Công ty CP Cơ điện công trình còn được UBND TP Hà Nội cấp 9.725m2 đất tại phố Sài Đồng, phường Việt Hưng, quận Long Biên để xây dựng dây chuyền sản xuất gạch lát hè, với thời hạn sử dụng 20 năm từ ngày 1/1/1996 (Khu A).

Tại các quyết định phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước (năm 2010) và quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của UBND TP Hà Nội đối với Công ty CP Cơ điện công trình (năm 2015) cho phép Công ty CP Cơ điện công trình được “chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng chung cư cao tầng theo quy hoạch tại phố Sài Đồng, diện tích 9.725m2 đất, 1.020m2 nhà.

Đến tháng 3/2015, Công ty CP Cơ điện công trình đã ký Hợp đồng hợp tác với các đối tác để thành lập doanh nghiệp, thực hiện dự án với Tổng mức đầu tư dự án tạm tính là 530 tỷ đồng. Trong thương vụ này Công ty CP Cơ điện được quyền quản lý, khai thác 1.000m2 sàn xây dựng thuộc khu văn phòng của dự án để sử dụng làm văn phòng và không phải góp một khoản kinh phí nào, được hưởng tiền bồi thường từ các đối tác là 8,5 tỷ đồng.

Đến nay, dự án Khu chức năng hỗn hợp (Khu nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại, nhà ở thấp tầng và nhà trẻ) đã được nghiệm thu, đưa vào hoạt động. Công ty CP Cơ điện công trình cũng đã nhận 1.000m2 sàn, đưa vào sổ sách kế toán.

Như vậy, trên cơ sở các hợp đồng hợp tác giữa Công ty CP Cơ điện công trình và các đối tác các cơ sở nhà đất ở vị trí “đất vàng” Hà Nội đến nay đã và đang hình thành các cao ốc và hứa hẹn đem lại lợi ích kinh tế lớn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, mục tiêu lớn cuối cùng của TP Hà Nội là thoái vốn nhà nước tại Công ty CP Cơ điện lại chưa được hoàn tất.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đặc biệt là việc chuyển đổi “đất vàng” thành cao ốc tại Công ty CP Cơ điện công trình trong số báo tới.

Công ty CP Cơ điện công trình được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước Công ty TNHH MTV Cơ điện công trình năm 2016, tổng số vốn là 195,151 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được UBND TP Hà Nội giao quản lý, sử dụng 281m2 đất số 4 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm và 9.725m2 đất tại phố Sài Đồng, phường Việt Hưng, quận Long Biên”.