Doanh nghiệp bi quan về 2024

Kết quả khảo sát mới nhất từ Ban IV cho thấy bức tranh chung về triển vọng kinh tế trong năm nay qua ý kiến của doanh nghiệp vẫn mang nhiều điểm tiêu cực.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trong báo cáo khảo sát tình hình doanh nghiệp mới nhất cho biết, có tới gần hai trong số ba doanh nghiệp được hỏi vẫn đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những tháng tới.

Chỉ có chưa đầy 13% doanh nghiệp đánh giá tích cực/rất tích cực.

Đáng chú ý, đầu tàu kinh tế TP.HCM có điểm trung bình thấp hơn mức trung bình của cả nước, thể hiện sự bi quan nhiều hơn. Do đó, theo Ban IV, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng năm 2024, cần nhiều giải pháp trọng tâm cho các đầu tàu kinh tế.

Không có sự chênh lệch nhiều giữa các ngành kinh tế trong đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô trong năm nay. Trong đó, doanh nghiệp ngành xây dựng bi quan nhất về kinh tế và là ngành duy nhất có mức điểm khảo sát thấp hơn mức trung bình của các doanh nghiệp tham gia.

Doanh nghiệp bi quan về 2024
Đánh giá của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2024 (%)Đánh giá của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2024 (%)

Bên cạnh đó, đánh giá của doanh nghiệp về triển vọng của bản thân doanh nghiệp trong năm nay cũng thể hiện bức tranh tiêu cực, khi có tới gần 73% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, ngừng/tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể.

Tính theo ngành kinh tế, doanh nghiệp ngành xây dựng bi quan nhất về triển vọng những tháng tới, khi có tới hơn 80% công ty trong ngành này dự kiến giảm quy mô hoạt động, ngừng kinh doanh chờ giải thể, tạm ngừng kinh doanh.

Ban IV đánh giá, những số liệu khảo sát và thống kê cho thấy doanh nghiệp kiệt sức là sự thật, đặc biệt sau hai năm Covid – 19 và hai năm tiếp theo phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu.

“Nếu không được vun đắp kịp thời, niềm tin và sức lực của doanh nghiệp đều cạn kiệt. Đây là thời điểm cần phải khoan thư sức dân hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế”, Ban IV nhấn mạnh.

Về triển vọng tiếp cận vốn, đánh giá của doanh nghiệp về khả năng tiếp cận vốn trong năm nay cho thấy bức tranh thiên về chiều tiêu cực dù đã có sự cải thiện so với hồi giữa năm ngoái. Có tới gần 2/3 doanh nghiệp đánh giá triển vọng này là tiêu cực/rất tiêu cực.

Vốn là đầu vào quan trọng cho sản xuất, kinh doanh nên khi cơ hội tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp chưa tích cực, khả năng phục hồi và phát triển của doanh nghiệp sẽ bị hạn chế.

Ban IV nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất lớn của nền kinh tế và từng doanh nghiệp khi mà lãi suất thực vẫn ở mức cao, niềm tin từ thị trường trái phiếu, chứng khoán dù đã phục hồi nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu”.

Trong bối cảnh đó, các tháng cuối năm 2023 và thời điểm đầu năm 2024, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đang cụ thể hóa thành hành động.

Tuy nhiên, sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để nền kinh tế và doanh nghiệp hấp thụ hiệu quả các chính sách này.

Ngoài tiếp cận vốn, đa số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá triển vọng thị trường cho các sản phẩm kinh doanh những tháng tới là tiêu cực/rất tiêu cực. Trong đó, doanh nghiệp ngành xây dựng bi quan nhất.

Tin liên quan