Dù doanh thu toàn ngành phần cứng điện tử Việt Nam đạt 135 tỷ USD năm 2022, nhưng kết quả này có được chủ yếu đóng góp bởi phần lớn từ khối doanh nghiệp FDI.
Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông mỗi năm tăng từ 6-9% và thường vượt tốc độ tăng trưởng GDP cả nước.
Cụ thể, trong năm 2022 doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT tại Việt Nam đạt 148 tỷ USD. Trong đó, phần mềm chiếm khoảng 6 tỷ USD, phần cứng điện tử là 135 tỷ USD chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận, những kết quả đạt được trên chủ yếu đóng góp phần lớn từ khối doanh nghiệp FDI.
Theo ông Nghĩa, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam còn rất nhiều hạn chế về quy mô, công nghệ; thị trường trong nước chủ yếu từ nhập khẩu hoặc các nhãn hiệu nước ngoài. Ở mảng phần cứng có đến 99% các thiết bị điện tử viễn thông tại Việt Nam đang sử dụng là nhập khẩu từ nước ngoài.
Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang ở đáy 'đường cong nụ cười'
Đồng quan điểm, ông Phạm Hải Phong - Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công thương (Bộ Công thương) cho hay, các nhà cung cấp linh kiện điện tử Việt Nam đang được định vị ở cuối đồ thị nụ cười - tức là thuộc phần sản xuất linh kiện đầu vào bậc thấp, sản xuất lắp ráp một số sản phẩm đơn giản.
Trong khi đó, các khâu quan trọng của chuỗi sản xuất như R&D, xây dựng thương hiệu, thiết kế, logistics, tiếp thị, bán hàng,... đều thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Lớp có giá trị gia tăng lớn nhất của đường cong là các nhà sản xuất, lắp ráp lớn có thương hiệu, phát triển sản phẩm cuối cùng thường nắm các khâu R&D, xây dựng thương hiệu và bán hàng.
Chia sẻ về thực trạng của các doanh nghiệp điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có đặc thù là thâm dụng lao động lớn.
Điều đó ngược hẳn với ngành công nghiệp điện tử ở các nước khác. Nguyên nhân do Việt Nam chủ yếu tập trung vào khâu lắp ráp. Hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Theo bà Hương, các doanh nghiệp điện tử nội địa đang gặp thách thức lớn về việc đảm bảo đủ năng lực về công nghệ, nhân lực và quản trị sản xuất.
Thách thức thứ hai đến từ những áp lực phải đảm bảo tiến độ và chất lượng hàng giao, đồng thời tuân thủ quy định khắt khe của người mua hàng (các công ty đa quốc gia). Bên cạnh đó là việc phải chịu sự đánh giá và kiểm soát của các công ty đầu chuỗi với những yêu cầu tối ưu hóa quá trình sản xuất hàng ngày.
Việt Nam chủ yếu mới tập trung vào khâu lắp ráp phần cứng điện tử
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp điện tử Việt Nam đề xuất Chính phủ và Quốc hội cần ban hành các chính sách một cách nhất quán, ổn định, có tiên lượng lâu dài, trong đó ưu tiên cho doanh nghiệp nội.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam mong muốn các cơ quan Chính phủ thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật xuất nhập khẩu, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc kinh doanh, kết nối thương mại.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, để giải quyết bất cập về chính sách, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm phần cứng điện tử Việt Nam, ngày 31/12/2022, Bộ TT&TT đã ký ban hành Thông tư 25/2022/TT-BTTTT về xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm CNTT, nội dung số, phần mềm.
Đây là chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội trong sản xuất sản phẩm CNTT, giải quyết bất cập chênh lệch về thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc thấp hơn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT&TT Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, để giải quyết bất cập về chính sách, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm phần cứng điện tử Việt Nam, ngày 31/12/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 25/2022/TT-BTT&TT xác định nguyên liệu vật tư linh kiện nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm CNTT, nội dung số, phần mềm.
Đây là chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước trong sản xuất sản phẩm CNTT, giải quyết bất cập chênh lệch về thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc thấp hơn thuế nhập khẩu nguyên liệu vật tư linh kiện.