Dữ liệu cho thấy số tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 8 vừa qua tiếp tục ở mức cao nhất 11 tháng vừa qua; trong khi đó, gần 500.000 tỷ đồng gửi tiết kiệm sẽ được đáo hạn trong nửa cuối năm nay.
Số tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục ở mức đỉnh 11 tháng
Dữ liệu mới nhất của Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 8/2023 đã đạt hơn 150.000 tài khoản. Trước đó, số lượng tài khoản mở mới trong tháng 7/2023 cũng đạt hơn 150.600 tài khoản – lên mức cao nhất trong vòng 11 tháng. Trong đó, số tài khoản cá nhân trong nước mở mới là hơn 150.300 tài khoản. Những số liệu này cho thấy kênh chứng khoán vẫn đang nhận được sự quan tâm của giới đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước.
Các chuyên gia phân tích cùng có chung nhận định rằng việc lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay liên tục giảm trong thời gian vừa qua là một trong những nhân tố chính thúc đẩy nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán.
Theo dữ liệu của VNDirect Research, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của hệ thống ngân hàng thương mại vào ngày 24/8/2023 đã giảm xuống mức 6%/năm, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 7/2023 và giảm tới gần 1,9 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm 2022.
Lãi suất tiền gửi liên tục giảm mạnh trong những tháng vừa qua chủ yếu do: Ngân hàng Nhà nước 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành đưa mặt bằng lãi suất điều hành gần chạm mức thấp nhất của năm 2020; nhu cầu tín dụng yếu trong nửa đầu 2023 làm giảm áp lực huy động đối với hệ thống ngân hàng; và Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó có thêm lượng tiền chảy vào nền kinh tế.
Cùng với việc lãi suất huy động giảm xuống, lãi suất cho vay hiện cũng đã giảm khoảng 0,5 - 1,0 điểm phần trăm so với cuối năm 2022. VNDirect Research hiện kỳ vọng lãi suất cho vay có thể giảm hơn nữa trong những tháng cuối năm nay, nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhanh trong thời gian qua.
VNDirect Research dự báo lãi suất cho vay cho vay có thể giảm thêm 100-150 điểm cơ bản trong những quý tới và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi trong tiêu dùng tư nhân và đầu tư. Việc lãi suất xuống thấp được kỳ vọng sẽ kích hoạt thêm dòng tiền vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới nhằm tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn.
Xem thêm: "Công ty chứng khoán nào hưởng lợi nhiều nhất khi thị trường được dự báo tăng tốc trong thời gian tới?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Gần 500.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong nửa cuối năm nay
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE), thanh khoản thị trường chứng khoán trong tháng 8/2023 đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt hơn 994,96 triệu cổ phiếu, với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 22.071 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 13,64% về khối lượng và 20,81% về giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên so với tháng 7/2023.
Còn theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thanh khoản trên thị trường cũng đồng thời tăng so với tháng trước. Với 23 phiên giao dịch được thực hiện trong tháng 8/2023, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 124 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 2.191 tỷ đồng/phiên, tăng 15,05% về khối lượng giao dịch và tăng 26,3% về giá trị giao dịch so với tháng trước. Giá trị vốn hóa thị trường tại phiên giao dịch cuối tháng 8 đạt 305,79 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% so với cuối tháng trước.
Xem thêm: "Hệ thống KRX sẽ đem lại lợi ích gì cho nhà đầu tư khi đi vào vận hành cuối năm nay?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Theo VNDIRECT Research, tại thời điểm cuối quý 3 hiện nay, dòng vốn vào thị trường chứng khoán đã xuất hiện tín hiệu tích cực. Tổng lượng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư (bao gồm 30 công ty chứng khoán lớn nhất về tổng tài sản) đã đạt khoảng 61.000 tỷ đồng, giảm 36% so với mức đỉnh cuối quý 1/2022, nhưng tăng nhẹ 3,2% so với quý 2/2023 và con số này, theo VNDIRECT Research, tiếp tục tăng trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Qua đó cho thấy một lượng tiền rất lớn đang sẵn sàng chờ giải ngân vào thị trường chứng khoán ở thời điểm thuận lợi.
Còn theo số liệu của Yuanta Việt Nam, trong quý 4/2022, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng mạnh (tăng 6,4% so với quý trước) đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất vào 10/2022 và phần lớn tiền gửi trong giai đoạn này là tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Do đó, Yuanta Việt Nam ước tính khoản tiền gửi trị giá khoảng 496.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12/2023 và có khả năng sẽ dẫn đến dòng vốn chảy vào cổ phiếu nhiều hơn trong nửa cuối năm 2023.
Yuanta Việt Nam giả định chỉ cần 10% số tiền gửi tiết kiếm được đáo hạn chuyển vào thị trường chứng khoán, tương đươn 49.000 tỷ đồng, sẽ bằng tổng giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong khoảng hai ngày (theo các giá trị giao dịch gần đây).
Giới phân tích cũng nhận định, những thông tin tác động mạnh đến thị trường chứng khoán đó là loạt dự án đầu tư công lớn, các số liệu kinh tế vĩ mô, kỳ vọng vào một số báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2023.