Trong phiên giao dịch sáng nay 2/6, giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng nhẹ, tâm lý thị trường được cải thiện sau khi Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật nâng trần nợ công Hoa Kỳ với số phiếu ủng hộ áp đảo.
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)
Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 74,37 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 70,17 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent đã bật tăng 2,3% và giá dầu thô WTI tăng 3%, xác lập các mức giá tăng theo ngày mạnh nhất kể từ đầu tháng 5 đến nay.
Sau hai phiên giảm giá mạnh liên tiếp vừa qua, tâm lý thị trường đã được cải thiện khi Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật về trần nợ công Hoa Kỳ với số phiếu ủng hộ áp đảo trong bối cảnh cận kề ngày 5/6 - thời điểm Bộ Tài chính Hoa Kỳ cảnh báo nước này sẽ chính thức vỡ nợ.
Dự luật này được xây dựng dựa trên thoả thuận sơ bộ giữa Tổng thống hoa Kỳ Joe Biden thuộc đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hoà nhằm giúp Hoa Kỳ tránh nguy cơ vỡ nợ. Trước đó, thị trường lo ngại dự luật sẽ khó có thể được thông qua một cách thuận lợi khi nhiều nghị sĩ thuộc cả hai chính đảng Hoa Kỳ lên tiếng phản đối thoả thuận sơ bộ.
Phát biểu sau khi dự luật được thông qua tại Hạ viện Hoa Kỳ, Tổng thống Joe Biden cho biết: “Hôm nay 31/5, Hạ viện Hoa Kỳ đã tiến một bước quan trọng để tránh cảnh vỡ nợ lần đầu trong lịch sử, bảo vệ sự phục hồi kinh tế đất nước mà chúng ta đã rất cố gắng để đạt được”.
Dự luật trần nợ công này sẽ được chuyển tiếp đến Thượng viện Hoa Kỳ để bỏ phiếu thông qua. Hiện có nhiều tín hiệu lạc quan khi lãnh đạo đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hoà tại Thượng viên đều lên tiếng ủng hộ dự luật này và đề nghị các nghị sĩ thông qua dự luật này mà không thay đổi điều gì để đảm bảo dự luật chính thức được ban hành trước thời điểm ngày 5/6.
Những tin tức này đã giúp giới đầu tư dẹp bỏ phần lớn lo ngại Hoa Kỳ có khả năng vỡ nợ sau thời gian dài đàm phán nâng trần nợ công của nước này rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô bị kìm hãm phần nào khi số liệu chính thức của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại nước này đã bất ngờ tăng trở lại trong tuần trước.
Hiện thị trường tập trung quan sát các thông tin xung quanh phiên họp của liên minh OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 4/6 tới đây. Nga và Saudi Arabia, hai quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất OPEC+, đang đưa ra các tín hiệu trái ngược nhau về việc liệu liên minh này có cắt giảm thêm sản lượng khai thác hay không.
Hãng tin Reuters dẫn lời 4 nguồn tin thuộc OPEC+ cho biết liên minh này nhiều khả năng sẽ không cắt giảm thêm sản lượng khai thác. Nhưng một số chuyên gia phân tích cho rằng OPEC+ vẫn có khả năng giảm nguồn cung trong bối cảnh các dữ liệu cho thấy nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể yếu hơn kỳ vọng.
Giá lợn hơi chạm mức cao nhất từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp sản xuất thịt bắt đầu có lãi Tường Vy