Mức lãi suất này thấp hơn 0,4 - 0,5 điểm %/năm so với con số trước đây được công bố khi chương trình bắt đầu triển khai vào tháng 4.
Trước đó, nhằm hỗ trợ cho vay chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Chính phủ đã triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay trung và dài hạn trên thị trường. Gói tín dụng này được 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) tiên phong, trong đó mỗi ngân hàng sẽ giải ngân 30.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn của chính ngân hàng.
Tuy nhiên, sau nhiều lần Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tỷ lệ giải ngân vẫn còn chậm, hiện nay mới có 23 dự án đủ điều kiện vay và tổng vốn đầu tư là hơn 31.300 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vay vốn của các dự án này là hơn 12.300 tỷ đồng. Hiện lãi suất đang giảm, nên lãi suất cho vay theo gói này cũng đang giảm theo.
Theo đó, Ngân hàng Agribank đã thông báo mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là 8,2%/năm đối với chủ đầu tư dự án và 7,7%/năm với khách hàng là người mua nhà ở tại dự án.
Mức lãi suất này thấp hơn 0,5 điểm % so với con số trước đây được công bố khi chương trình bắt đầu triển khai vào tháng 4. Quy mô gói hỗ trợ tín dụng này của Agribank là 30.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân hàng BIDV cũng đã đã triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng. Mức lãi suất áp dụng cho các chủ đầu tư là 8,5%/năm còn đối với các cá nhân, lãi suất cho vay áp dụng từ 7,8%/năm.
Trong khi đó, còn ngân hàng Vietcombank và ngân hàng VietinBank chưa có công bố mới về mặt bằng lãi suất mới của chương trình này.
Tại thời điểm bắt đầu triển khai, mức lãi suất mà nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước đưa ra là 8,7%/năm áp dụng với chủ đầu tư và 8,2%/năm với người mua nhà.
Mặc dù lãi suất của gói tín dụng này theo quy định thấp hơn thị trường, tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện với người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, mức lãi suất này vẫn đang cao.
"Chúng ta cần giải pháp để tiếp tục hạ lãi suất vay, đặc biệt là cho người mua. Như vậy, mới có thể giải quyết được nhu cầu khó khăn về nhà ở của người dân. Ngân hàng Nhà nước đang điều tiết lãi suất xuống quanh mức 6%", ông Thanh cho biết.
Ông Thanh cũng cho rằng mức lãi suất phù hợp nên tối đa bằng mức lãi suất hiện nay huy động của người dân khoảng 6%. Thu nhập của người dân Việt Nam nói chung so với giá bất động sản thấp hơn 20 lần.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp thực hiện nhưng việc giải ngân cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản của các ngân hàng vẫn thấp.
Nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm là Bộ Xây dựng giao cho UBND các tỉnh là phê duyệt các danh mục dự án đủ điều kiện để cho vay. Hiện một số địa phương cũng đã phê duyệt danh sách và gửi cho ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, qua rà soát những dự án này đều chưa đạt được cơ sở về pháp lý để có thể giải ngân cho vay.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm nay, cả nước mới có 9 dự án nhà ở xã hội được khởi công xây dựng với tổng số gần 18.800 căn. Với tiến độ hiện tại, mục tiêu hoàn thành hơn 400.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2025 là một thách thức rất lớn, cần những giải pháp quyết liệt hơn.
Có thể nói, gói tín dụng 120.000 tỷ được xem là "phao cứu sinh" để thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, đề án chỉ có ý nghĩa thực sự khi người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói tín dụng này.