Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank - Mã chứng khoán: HDB) vừa thông báo sẽ triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/9.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank - Mã chứng khoán: HDB) vừa thông báo sẽ triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/9.
Tỷ lệ chia cổ tức là 25%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 25 cổ phiếu mới. Tổng khối lượng phát hành tương ứng hơn 503 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ lên tối đa 25.303 tỷ đồng.
Trước đó, HDBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm 5.030 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế và cũng được cổ đông tán thành trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022.
Với vốn điều lệ tăng thêm, HDBank sẽ trích khoảng 3.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay trung và dài hạn, phần còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.
Quảng cáo
Mới đây, HDBank còn lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với tổng khối lượng 200 triệu cổ phiếu, được thực hiện thành nhiều đợt trong giai đoạn 2021 - 2023.
Cổ đông còn thông qua phương án chào trái phiếu ra nước ngoài trong thời gian 2023 - 2024 với tổng giá trị dự kiến 900 triệu USD, theo phương thức dựng sổ. Trái phiếu dự kiến được chào bán ở Singapore với kỳ hạn 3-10 năm.
Theo báo cáo kinh doanh nửa đầu năm, ngân hàng tư nhân này ghi nhận tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng hơn 27% lên mức 10.704 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng hơn 26% đạt hơn 5.300 tỷ đồng.
Tổng huy động vốn đạt trên 340.000 tỷ, dư nợ tín dụng hợp nhất tăng 14,8% so với đầu năm lên mức 245.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,93% và tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu riêng lẻ đạt mức an toàn 109%.
Tính đến hết 30/6, tổng tài sản đạt 384.266 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 17% lên hơn 237.688 tỷ đồng. Tổng nợ xấu giảm gần 6% so với đầu năm xuống còn 3.166 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,65% hồi đầu năm xuống còn 1,33%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 73% lên 93%.
So với đầu năm, tiền gửi khách hàng tăng 16% lên hơn 212.520 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá ở mức 39.104 tỷ đồng, giảm 8,5%.