Hậu Covid-19, Hà Nội mở rộng thêm nhiều không gian phố bị bộ, các tour du lịch đêm tại các di tích, danh thắng. Các hoạt động văn hoá, du lịch không chỉ đang phục hồi mà đã tiếp tục phát triển nhờ việc khai thác các lợi thế, thúc đẩy kinh tế đêm của Thủ Đô phát triển.
Phố bia Tạ Hiện.
Phát triển các sản phẩm du lịch đêm
Tất cả những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới, Thủ đô đều có hoạt động kinh tế đêm rất sôi nổi, đem lại giá trị kinh tế, nguồn thu ngoại tệ lớn cho các quốc gia. Nắm bắt xu thế chung, TP Hà Nội đã và đang phát triển các hoạt động du lịch, giải trí, văn hoá, nghệ thuật đêm.
Trong hai tháng gần đây, khi các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, hàng loạt sản phẩm, dịch vụ kinh tế đêm đã được ra khai trương, hoặc khai thác trở lại như: Không gian ẩm thực và văn hóa phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), tour du lịch đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long, các tour đêm lại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây),…
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội khai thác trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Khách du lịch được thưởng thức các điệu múa cung đình, được “thị vệ” và “cung nữ” do các bạn trẻ nhập vai hướng dẫn khám phá Hoàng thành Thăng Long. Khách sẽ có những trải nghiệm mới mẻ khi tham quan các hiện vật, các hố khai quật vào ban đêm với sự hỗ trợ của công nghệ ánh sáng; được tham gia hoạt động “giải mã” các câu đố về Hoàng thành Thăng Long…
Trung bình tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long thu hút khoảng 130 khách/tối.
Tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” hoạt động vào tối thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần. Trung bình tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long thu hút khoảng 130 khách/tối. Cá biệt, có hôm, Trung tâm phải dừng nhận thêm khách để bảo đảm chất lượng phục vụ.
Những năm gần đây, số lượng du khách quốc tế lưu trú trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tăng nhanh (năm 2016 đạt 1,4 triệu lượt, năm 2017 đạt 1,8 triệu lượt, năm 2018 đạt 2,1 triệu lượt, năm 2019 đạt 2,35 triệu lượt). Việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm tạo cơ hội cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách.
Mới đây nhất, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Hà Nội đã có thêm hai không gian đi vào hoạt động là không gian đi bộ Trịnh Công Sơn và không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Trong đó không gian đi bộ Trịnh Công Sơn được kích hoạt lại sau 2 năm tạm dừng hoạt động do dịch bệnh. Bên cạnh đó, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây cũng tạo hiệu ứng tốt.
Theo Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm - Thành cổ Sơn Tây Nguyễn Đăng Thạo, trung bình mỗi ngày tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đón khoảng 10.000 khách, ngày cao điểm khoảng 15.000 khách.
Với giới trẻ, khu phố đi bộ Tạ Hiện là địa điểm yêu thích giao lưu gặp gỡ về đêm. Tạ Hiện thu hút khách du lịch bởi thương hiệu “phố bia giữa lòng Thủ đô”. Đây là nơi gắn kết những tâm hồn trẻ trung, tràn đầy sức sống thuộc đủ thành phần, quốc tịch. Thời gian qua, chính quyền Thủ Đô và UBND quận Hoàn Kiếm đã tăng cường các hoạt động an ninh trật tự, bố trí sắp xếp khu vực này ổn định, an ninh, an toàn để khách du lịch yên tâm vui chơi, người dân tuân thủ trật tự kinh doanh.
Để phát huy các giá trị văn hóa, xúc tiến du lịch, thu hút khách du lịch, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách, hiện TP Hà Nội đang tiếp tục triển khai đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Kích cầu du lịch
Phát triển kinh tế đêm là đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển. Với Hà Nội, yêu cầu càng cấp thiết khi nhiều khách du lịch coi thành phố là “trạm trung chuyển”. Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết: “Hà Nội cần phát triển kinh tế đêm để kích thích khách lưu trú và chi tiêu. Vào ban ngày, du khách thường tham quan các di tích, danh thắng thì chỉ có ban đêm mới là thời điểm khách cần chi tiêu nhiều”.
Theo dự thảo của quận Hoàn Kiếm, 6 không gian tạo động lực phát triển kinh tế đêm gồm: Không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; các không gian đi bộ trong khu phố cổ; không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu; tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ; tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn để phát triển thành tuyến phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại, tổ chức quy hoạch, sắp xếp ngành hàng, phát triển các tuyến phố chuyên kinh doanh, phố nghề truyền thống.
Khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm thu hút khách du lịch về đêm.
Bên cạnh đó, nhiều không gian đi bộ trên địa bàn Thủ Đô cũng đang hình thành. Đó là Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình; khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; không gian đi bộ hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng; tuyến phố đi bộ tại dự án Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 - Bitexco, quận Hoàng Mai.
TP Hà Nội cũng đã có chủ trương phát triển không gian đi bộ Khu đô thị Bắc An Khánh - Splendora, huyện Hoài Đức; không gian đi bộ xung quanh di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quận Đống Đa. Các không gian này đi vào hoạt động sẽ thu hút một lượng lớn du khách và góp phần phát triển thương mại, dịch vụ cho các khu vực quanh đó.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội: “Để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế đêm của Hà Nội, trước tiên cần có quan điểm định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế đêm.
Theo đó, cơ chế chính sách phát triển, quản lý kinh tế đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế đêm. Xây dựng các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế đêm không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích các cá nhân, DN tham gia đầu tư phát triển”.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian qua, Sở Du lịch đã phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các tổ chức triển khai các sản phẩm du lịch phục vụ kinh tế đêm và thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy khu vực này.
Trong thời gian tới, Hà Nội cần ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm. Có như thế, người dân mới yên tâm đầu tư, phát triển kinh tế đêm Thủ Đô.