Hiện nay, người dân lao động dồn về Thủ đô với số lượng rất lớn, nên nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tăng cao. Thời gian qua, thành phố cũng đã có những chỉ đạo chiến lược để phát triển loại hình nhà ở này phục vụ người dân…
Tại Hà Nội, để bảo đảm cho người dân ở có chỗ ở, "an cư lạc nghiệp", UBND thành phố Hà Nội đã ban hành chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.
Hà Nội “bứt tốc” trên đường đua phát triển nhà ở xã hội. Ảnh minh họa
Hoạch định rõ ràng
Cụ thể, Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND thành phố phê duyệt đã xác định mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở, chuẩn bị đầu tư 1 - 2 khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 - 3 khu.
Đặc biệt, trong kế hoạch này Hà Nội sẽ dành hơn 220 tỷ đồng để hoàn thiện và điều chỉnh các tòa nhà đang bỏ hoang hơn chục năm tại dự án ký túc xá cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội.
Mới đây, tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với công nhân, lao động Thủ đô năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1.000.000 nhà ở xã hội cho người lao động theo chương trình của Chính phủ đã ban hành.
Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố cũng khẳng định, Hà Nội đang thực hiện rất quyết liệt và sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh
Hiện nay các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng, thành phố Hà Nội mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công xây dựng một số khu nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho người dân.
Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Hà Nội có 40 dự án được triển khai, trong đó 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025 với khoảng 870.000m2 sàn, dự kiến hơn 12.000 căn hộ. Dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 là 22 dự án với khoảng 22.400 căn hộ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, Hà Nội chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với khoảng 5.300 căn hộ.
Bàn về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, để bổ sung thêm quỹ nhà ở xã hội, phục vụ cho những người dân có thu nhập thấp, thành phố đang tiếp tục rà soát những quỹ đất, đề xuất phương án xây nhà ở xã hội mới. Đồng thời, rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất đồng bộ với các thiết chế công đoàn phục vụ cho nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp, công nhân và người lao động.
Quảng cáo
Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động.
Còn đó những khó khăn phải đối mặt
Mặc dù đã có những sự chuẩn bị rõ ràng, song quá trình triển khai dự án thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn. Mới đây, tại Hội nghị triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1.000.000 căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Dương Đức Tuấn cho biết, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, UBND thành phố Hà Nội đã giao cơ quan chuyên ngành lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư với 2 dự án xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh.
Đồng thời, thành phố đang xem xét 3 dự án còn lại tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; ô đất CT1-5 thuộc Quy hoạch phân khu đô thị S5 thuộc các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín; và tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Dự kiến, 5 dự án khi hoàn thành sẽ bổ sung khoảng 2,5 triệu m2 sàn vào quỹ nhà ở xã hội của thành phố.
Đối với vấn đề quy hoạch, thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng giao quyền cho thành phố điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, nhà lưu trú, tạm trú.
Báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện các dự án xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho rằng, cần có quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng. Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu thì cần có quy trình đấu thầu riêng, đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện với nhà ở xã hội.
Còn việc sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định.
Đối với vấn đề quy hoạch, thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời, giao quyền cho thành phố điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, nhà lưu trú, tạm trú.
Về khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án. Tuy nhiên, luật, nghị định chưa quy định cụ thể danh mục hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ, làm cơ sở để cơ quan nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Do vậy, thành phố Hà Nội đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ ủy quyền cho thành phố Hà Nội chủ động bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các khu nhà ở xã hội độc lập trên địa bàn; giao quyền cho thành phố điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê…
Những dự án nhà ở xã hội sắp mở bán
-
Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn có địa chỉ 02A Đông Nam, Tố Hữu, P. Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội được xây dựng trên tổng diện tích là 2.726,1m2.
-
Dự án nhà ở xã hội Rice City Thượng Thanh, địa chỉ phố Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên được xây dựng trên tổng diện tích là 40.925,7m2.
-
Dự án nhà ở xã hội Rice City Tố Hữu có địa chỉ ô đất thuộc phường Mễ Trì và phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm được xây dựng trên tổng diện tích là 6.616m2.
-
Dự án nhà ở xã hội Sunrise Home Thanh Trì, có địa chỉ Quốc lộ 1A, Xã Ngọc Hồi, Huyện Thanh Trì được xây dựng trên tổng diện tích là 21.015m2 với số lượng căn hộ là 196 căn.
-
Dự án nhà ở xã hội FLC Garden City có địa chỉ phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm được xây dựng trên tổng diện tích là 5.220,6m2.
-
Dự án xã hội Udic Eco Tower Hạ Đình có địa chỉ Khu đô thị Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì được xây dựng trên tổng diện tích là 9.305m2.
-
Dự án nhà ở xã hội Hacinco Nguyễn Xiển (Đại Kim Center), có địa chỉ Khu đô thị thương mại Đại Kim, Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai được xây dựng với quy mô là 20.256m2.
-
Dự án nhà ở xã hội Bảo Ngọc City Long Biên, có vị trí tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, quy mô 8600m2.
-
Dự án nhà ở xã hội 486 Ngọc Hồi, có vị trí số 486 Ngọc Hồi, nằm trên đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì với quy mô dự án là 5000m2.
-
Dự án nhà ở xã hội Vân Canh, nằm ở ô đất CTM2 Khu đô thị mới Vân Canh, huyện Hoài Đức, với diện tích sàn xây dựng 53.000m2
-
Dự án nhà ở xã hội Kim Hoa, thuộc Khu nhà ở đô thị Kim Hoa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, có tổng diện tích sàn xây dựng là 96.776m2.
-
Dự án nhà ở xã hội Hồng Hà Eco City, tại Khu đô thị Hồng Hà Eco City ở xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì
-
Dự án nhà ở xã hội Green Tower Đại Mỗ, có vị trí tại đường 70, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm