Trong văn bản vừa ban hành về tăng cường công tác quản lý đất đai, Hà Nội yêu cầu thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thiết lập hồ sơ dự án đấu giá đất; công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch; công tác thu hồi đất, GPMB để chuẩn bị quỹ đ...
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2807/UBND-TNMT về tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay trên địa bàn thành phố.
Căn cứ chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 2-3-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội”; tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 6-6-2022 của UBND TP Hà Nội về triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 2-3-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội”, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan hoàn thành việc thiết lập, thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) TP trong tháng 9/2022.
Công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ trong hệ thống quy hoạch, bao gồm quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch TP, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác liên quan.
Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ giữa quy hoạch sử dụng đất quốc gia với quy hoạch TP, giữa quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất TP với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; giữa kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Quảng cáo
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng trên địa bàn, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tiến độ thời gian, nhất là những địa bàn có đường vành đai 4 đi qua. Trong đó, lưu ý thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục và áp dụng chính sách tối đa theo quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị thu hồi đất.
Về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, Sở TN&MT, các sở chuyên ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện tốt Công điện số 1767/CĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; Văn bản số 2015/VPCP-PL ngày 1/4/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc rà soát pháp luật về đấu giá tài sản; Văn bản số 413/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 20/1/2022 của Bộ TN&MT về việc rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Văn bản số 5370/BXD-QLN ngày 24/12/2021 của Bộ Xây dựng về việc đánh giá và rà soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản.
Quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thiết lập hồ sơ dự án đấu giá quyền sử dụng đất, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất thực hiện đấu giá.
Tập trung rà soát, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn tổ chức tư vấn đấu giá có uy tín, trách nhiệm và tuân thủ quy định của pháp luật.
Thực hiện nghiêm túc, đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Rà soát, kiểm tra, đánh giá, đề xuất kiến nghị xử lý theo quy định đối với trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng, đủ theo phương án được phê duyệt hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Thường xuyên rà soát, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định về đấu giá quyền sử dụng đất; báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.