Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua Nghị quyết về việc ban hành danh mục dự án đầu tư công thực hiện thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công trên địa bàn.
Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua Nghị quyết về việc ban hành danh mục dự án đầu tư công thực hiện thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công trên địa bàn.
Theo đó, có 6 dự án đầu tư công thực hiện thí điểm. Cụ thể: dự án đường Nguyễn Huệ (ĐT.651C) thuộc huyện Vạn Ninh và tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh) đi thị xã Ninh Hòa. Mỗi dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 1.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện giai đoạn năm 2023 - 2026.
Bốn dự án còn lại gồm: Đường giao thông trục chính khu tổng hợp Đầm Môn (huyện Vạn Ninh), tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng; nâng cấp và làm mới đường Tỉnh lộ 6 đoạn 2 (huyện Vạn Ninh), tổng mức đầu tư 193 tỷ đồng; đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh (huyện Diên Khánh và TP. Nha Trang), tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng và dự án đường D25 và kênh thoát lũ Vĩnh Trung (huyện Diên Khánh và TP. Nha Trang), tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Các dự án đều được thực hiện trong giai đoạn năm 2023 - 2026.
Quảng cáo
Thời gian thực hiện thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/7/2027.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc triển khai thí điểm này nhằm triển khai thực hiện Điều 6 Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, góp phần sớm đưa Nghị quyết đi vào đời sống.
Đồng thời, việc tách riêng công tác giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, thực hiện đồng thời với các bước khác, đẩy nhanh thời gian hoàn thiện dự án, giảm chi phí giải phóng mặt bằng và hạn chế việc phải điều chỉnh dự án.
Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện tách khỏi dự án đầu tư, không tính vào thời gian thực hiện dự án, giảm bớt áp lực về mặt thời gian và tiến độ thực hiện cho chủ đầu tư, tạo thêm thời gian cho các khâu đấu thầu, xây lắp... qua đó gián tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng công trình.
Ngoài ra, phân định, làm rõ trách nhiệm của từng cấp liên quan trong việc giải phóng mặt bằng của dự án, xác định đúng chủ thể liên quan trong việc áp dụng các chế tài xử lý, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt của các ngành, các cấp.