Nhiều nước đã đưa ra các lệnh cấm xuất khẩu nông sản, điều này lại càng khiến thắt chặt hơn nữa nguồn cung đang khan hiếm trên thị trường toàn cầu.
Thế giới đang đối mặt tình trạng thiếu an ninh lương thực do cuộc xung đột Nga – Ukraine, nhưng nhiều nước đã đưa ra các lệnh cấm xuất khẩu nông sản, điều này lại càng khiến thắt chặt hơn nữa nguồn cung đang khan hiếm trên thị trường toàn cầu.
Hiện, thế giới đang xảy ra tình trạng ngắt quãng nguồn cung và tình trạng lạm phát gia tăng, các quốc gia đã có các biện pháp để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước.
Ngày 23/5, thị trường quốc tế đã chứng kiến những tín hiệu tích cực, khi Indonesia - nước xuất khẩu dầu cọ hàng đầu thế giới chính thức cung cấp trở lại mặt hàng này. Tổng thống Joko Widodo cam kết, nước này sẽ giúp giá mặt hàng dầu ăn ổn định trở lại cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Hiện có gần 20 quốc gia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng lương thực thực phẩm nhằm ưu tiên cho nguồn cung trong nước
Tuy nhiên, hiện có gần 20 quốc gia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng lương thực thực phẩm nhằm ưu tiên cho nguồn cung trong nước. Nên tình hình lương thực thế giới vẫn chưa mấy cải thiện nhiều.
Mới đây nhất, Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu lúa mì. Điều này đã khiến thị trường lúa mì thế giới gặp cản trở và chính các nhà xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ cũng chịu thiệt hại đáng kể
"Hiện có tới 5.000 xe tải chở lúa mì đang phải nằm chờ ở cảng Kandla từ hơn 10 ngày qua. Lệnh cấm quá đột ngột đã khiến doanh nghiệp xuất khẩu và vận tải đều chịu lỗ hàng triệu Rupee mỗi ngày", Ông Dashrath Singh Khangrot - Hiệp hội vận tải Gandhidham, Bang Gujarat, Ấn Độ cho hay.
Hay như Malaysia đã thông báo việc tạm dừng xuất khẩu hơn 3,6 triệu con gà do giá trong nước tăng cao vào ngày 23/5. Singapore - nước nhập khẩu phần lớn nông sản từ Malaysia đang phải tăng tốc tìm kiếm các nguồn thay thế từ thị trường toàn cầu.