Kiến trúc sư Nguyễn Thế Phương Finko Architect: “Tôi đặt từng “bước chân” trên bản vẽ của mình”

"Tôi "đặt" từng “bước chân” trên bản vẽ của mình, ở tất cả các ngóc ngách xa nhất, để chắc chắn rằng, dù là người quét dọn, họ vẫn được tạo điều kiện để làm công việc của mình một cách tốt nhất và cảm hứng nhất. Kiến trúc khi đó là sự hoà quyện của t...
aria-grand-700x300px.jpg

- Và ông bắt đầu thực sự “say đắm” ngành kiến trúc từ khi nào, thưa ông?

Bước ngoặt lớn nhất cho tư duy kiến trúc của tôi là vào năm 1999, khi đọc bài báo về công trình Trung tâm Nghệ thuật và Văn hóa quốc gia Georges - Pompidou của Kiến trúc sư Renzo Piano ở Paris với những cách giải quyết đi ngược lại các nguyên lý truyền thống, từ đó tôi thực sự yêu và kính trọng kiến trúc. Vượt lên trên công năng, công trình tạo cảm hứng cho chúng ta quan sát, khám phá và khát khao sống.

Khách hàng chọn FINKO vì có tầm nhìn xa

- Hoàn toàn không có trang web hay quảng cáo, nhưng FINKO nhận được các dự án rất khủng, các thiết kế đều giành được sự quan tâm rất lớn. Điều gì khiến khách hàng chọn lựa FINKO khi các kênh truyền thông của bên ông còn “thiếu sót” như vậy, thưa ông?

Quan điểm của FINKO là dự án càng lớn thì trọng trách đối với xã hội càng nặng nề. Ở các dự án này, không chỉ đơn thuần là mang lại lợi nhuận ngay lập tức, không phải nhanh - ngon - bổ - rẻ nữa mà chúng phải đạt được tầm nhìn ít nhất là 50 năm.

Không chỉ vẽ đẹp mà phải có tầm nhìn. Mà tầm nhìn thì khó quảng cáo lắm, chỉ có tiếp xúc, trao đổi, làm việc cụ thể mới có thể đánh giá được.

Nếu kiến trúc sư chỉ thiết kế theo trào lưu của hôm nay thì ngày mai chắc chắn sẽ bị quên lãng. Tôi không muốn thiết kế của mình bị quên lãng vì thế mà FINKO được lựa chọn từ những khách hàng cũng không muốn mình bị lãng quên.

FINKO luôn tự đưa ra tầm nhìn cho dự án ít nhất là 50 năm để thiết kế của mình không bị quên lãng.

- FINKO cũng là một trong những công ty kiến trúc Việt Nam đang nỗ lực khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Để đánh giá về hoạt động của FINKO kể từ khi thành lập đến nay trong 5 từ thì ông chọn những từ nào?

MAY MẮN cho chúng tôi gặp được sự quan tâm; KIÊN ĐỊNH theo đuổi giá trị của kiến trúc và quy hoạch yêu cầu chúng tôi NỖ LỰC vượt qua muôn vàn gian khó. Luôn DŨNG CẢM thách thức bản thân là niềm TỰ HÀO của FINKO.

Tôi nể Kiến trúc sư 3 phần thì chủ đầu tư 7 phần

- Ông đã từng chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng, những gì nhìn thấy của kiến trúc chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Mỗi toà nhà đều có câu chuyện riêng của nó, với rất nhiều điều có thể gọi là may mắn. Nếu nói mỗi toà nhà đều có số phận riêng cũng không sai. Ông có thể chia sẻ thêm về quan điểm này?

Nếu hội họa, điêu khắc và âm nhạc từ cảm hứng cá nhân thì Kiến trúc cần khách hàng, nhu cầu sử dụng. Công trình Kiến trúc hình thành không qua bàn tay của Kiến trúc sư như bức tranh, pho tượng hay bản nhạc mà qua tay những người thợ xây dựng. Chỉ khi công trình được xây dựng lên, đưa vào sử dụng thì mới có thể nói là hoàn thành công việc của Kiến trúc sư. Một số phận quyết định bởi rất nhiều thành phần tham gia, trải qua đánh giá của nhiều cơ quan hành chính quản lý khác nhau, “gật” hay “lắc” có thể thay đổi hoàn toàn số phận của một tòa nhà.

Kiến trúc sư Nguyễn Thế Phương Finko Architect: “Tôi đặt từng “bước chân” trên bản vẽ của mình” 2Tôi luôn nói rằng, nếu tôi nể phục Kiến trúc sư 3 phần thì nể phục chủ đầu tư 7 phần ở những công trình kiến trúc đi vào sử sách. Chỉ có sự dũng cảm và kiến thức đỉnh cao mới dám phê duyệt và theo đuổi các tòa nhà như Tháp Eifel, Nhà thờ ở Ronchamp, Sydney Opera, Pompidou Center, sảnh vào Louvre, CCTV Beijing - đầy tranh cãi nhưng lịch sử phải cúi đầu công nhận.

Vẫn là chưa đủ. Một quá trình kéo dài hàng năm đến hàng chục năm có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào từ những xung đột giữa các thành phần tham gia và từ những biến động của tài chính - không có tiền thì không thể có kiến trúc. Hỉ nộ ái ổ có đủ ở trong mỗi một công trình được hoàn thành. Vì vậy - chưa nói về kết quả, bản thân sự hoàn thành đã được gọi là may mắn rồi vì đã được lựa chọn và vượt qua nhiều thăng trầm để về đích.

- Theo ông, kiến trúc xanh quan trọng như thế nào trong thiết kế của mình trước bối cảnh thiên nhiên đã bị phá huỷ nhanh chóng bởi các công trình được xây dựng thiếu tính quy hoạch như hiện nay?

Sự hiểu lầm về kiến trúc xanh cũng rất toxic (độc hại) như hiểu lầm về ăn chay, ăn kiêng, đạp xe và tất cả các trào lưu khác. Đừng nghĩ rằng ai giàu nói cũng đúng. Nước Đức đã bỏ xó cái gọi là kiến trúc thụ động - passive housing từ lâu rồi dù rằng họ giàu và đi đầu về kỹ thuật công nghệ. Trào lưu phần lớn là có mục đích thương mại thuần túy, là cái bẫy xã hội.

Các thiết kế của tôi ở Đức - trước thời kỳ biến đổi khí hậu đã luôn hướng tới sự cân bằng trong cuộc sống của tòa nhà.

Để có cân bằng cần có sự đa dạng tương hỗ và bổ sung - sáng tối, trong ngoài, yên tĩnh và náo nhiệt. Chúng ta cần loại bỏ tất cả những gì phù phiếm và đi vào cốt lõi của việc xây dựng ý thức sống có tính cộng đồng cao. Căn biệt thự hay Penthouse hàng chục triệu đô sẽ là trò cười khi ở một cộng đồng hận thù, nguồn nước ô nhiễm và an ninh bất ổn.

Thiết kế chúng tôi lấy Xanh là cách sống người sử dụng có được - không phải màu lá cây. Cho dù có phủ xanh cả cái nhà bằng cây, hay vào rừng sống mà tâm hồn bạn u uất, hận thù, ích kỷ thì không gì cứu được. Chúng tôi tạo ra một chuỗi các hoạt động duy trì cân bằng từ nhỏ đến lớn, từ cá nhân đến cộng đồng, từ dịch vụ đến quản lý và cố gắng duy trì chuỗi này ở mọi tình huống.

Kiến trúc sư Nguyễn Thế Phương Finko Architect: “Tôi đặt từng “bước chân” trên bản vẽ của mình” 3

Nhìn ở phạm vi lớn hơn thì điều Việt Nam cần làm nhất là có một chiến lược quy hoạch sử dụng đất khôn ngoan. Chính bản thân thế giới đang vướng không thể gỡ và Việt Nam cần kiên định, rút ra các bài học từ các nước khác về sự mất cân bằng của đô thị và tự nhiên, của phát triển và ô nhiễm, của vật chất và tinh thần để tìm ra lối đi riêng của mình. Tôi tin rằng trí tuệ Việt Nam có thể làm được.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Kiến trúc sư Nguyễn Thế Phương tốt nghiệp kiến trúc sư tại Berlin, CHLB Đức, làm việc ở châu Âu rồi nghiên cứu về kiến trúc ở Trung Quốc, Mông Cổ, Nepal, Tây Tạng cùng với Giáo sư Andreas Brandt, nghiên cứu về nhà ở 1 năm chương trình của EU. Năm 2009 ông điều hành DA Group Hà Nội, 2011 Aedas Việt Nam, kiến trúc sư trưởng của một trong những dự án lớn nhất và sớm nhất tại bán đảo Thủ Thiêm và hiện là Tổng giám đốc của FINKO Architect Hồng Kông và FINKO Việt Nam.

Ông được nhắc đến nhiều khi dự án nghiên cứu quốc tế Universal Home mà ông tham gia được Quỹ phát triển EU tài trợ và Red Dot Design Museum - tại CHLB Đức hỗ trợ. Trong hơn 10 năm qua, ông cũng được mọi người biết đến với các dự án lớn đã thực hiện tại Việt Nam.