Kỳ hạn đến gần nhưng chính phủ Mỹ chưa thể thoát khỏi bế tắc trần nợ công

Chính phủ Mỹ có thể bắt đầu cạn tiền nếu Quốc hội không tăng trần nợ vào cuối tháng…

Quốc hội Mỹ lần đầu tiên đưa ra trần nợ - giới hạn số tiền mà chính phủ có thể vay để thực hiện các nghĩa vụ tài chính - vào năm 1917. Biện pháp này có nghĩa là chính phủ Mỹ không còn cần tới sự chấp thuận của các nhà lập pháp đối với mọi khoản nợ được phát hành. Đạo luật nợ công sau đó đã được thông qua vào năm 1939 và 1941.

Trong bảy thập kỷ qua, trần nợ đã được nâng tổng cộng 78 lần, bao gồm cả năm 2011 khi sự chậm trễ trong việc thông qua giới hạn mới dẫn đến việc Mỹ mất xếp hạng tín dụng AAA cao nhất, làm tăng chi phí đi vay.

Thực tế, trần nợ trị giá 31,4 nghìn tỷ USD đã đến hạn vào tháng 1/2023 nhưng Bộ Tài chính Mỹ đã thực hiện các biện pháp đặc biệt để cho phép tiếp tục tài trợ cho các hoạt động của chính phủ.

chính phủ Mỹ

Thời hạn quan trọng tiếp theo đang đến gần, khi đó Quốc hội một lần nữa phải nâng mức trần nợ, nếu không chính phủ Mỹ có thể đối mặt với tình trạng cạn kiệt tiền và vỡ nợ.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nước Mỹ vỡ nợ?

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo rằng bế tắc này thực sự là “một khẩu súng nhắm vào đầu người dân Mỹ và nền kinh tế Mỹ”. Bà khẳng định sự hỗn loạn tài chính và kinh tế sẽ xảy ra nếu không nâng trần nợ.

Vào tuần trước, Bộ Tài chính dự đoán chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu cạn kiệt tiền sớm nhất là vào ngày 1/6, và điều này gây ra những hậu quả sâu rộng đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Việc thiếu tiền sẽ buộc Bộ Tài chính phải ưu tiên chi tiêu cho khoản thanh toán nợ và lãi được thực hiện trước. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc chậm trả lương cho hàng chục triệu người lao động trong khu vực công, bao gồm cả giáo viên và y tá. Ngoài ra, các khoản thanh toán an sinh xã hội và trợ cấp chăm sóc sức khỏe cho những người cao niên và người gặp khó khăn, bao gồm cả các cựu quân nhân, cũng có thể bị tạm dừng.

Mặc dù tình trạng nợ không được thanh toán có thể chỉ là tạm thời, nhưng một phân tích của các cố vấn kinh tế đã cảnh báo rằng ngay cả một vụ vỡ nợ ngắn hạn cũng sẽ khiến nền kinh tế Mỹ mất 500.000 việc làm. Trong khi đó, họ tin rằng một vụ vỡ nợ kéo dài sẽ khiến GDP giảm 6% với hàng chục nghìn doanh nghiệp và khoảng 8,3 triệu việc làm biến mất - gần bằng với hậu quả trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trong trường hợp xấu nhất, Mỹ sẽ phải ngừng vay nợ hoàn toàn vào tháng 7 hoặc tháng 8, gây ra những làn sóng chấn động hơn nữa trên thị trường tài chính toàn cầu, làm suy yếu nghiêm trọng thương mại và đẩy phần còn lại của thế giới vào một cuộc suy thoái sâu sắc.

Từ đó, các nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi về giá trị của trái phiếu Mỹ, vốn được coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất và đóng vai trò là nền tảng cho hệ thống tài chính thế giới.

my.jpg

Một vụ vỡ nợ nghiêm trọng hơn sẽ khiến đồng đồng USD lao dốc, gây ra những biến động hỗn loạn về tỷ giá hối đoái, đồng thời đẩy giá dầu và các hàng hóa khác tăng vọt. Lạm phát toàn cầu có thể tăng trở lại và các vấn đề về chuỗi cung ứng - vốn làm cản trở hoạt động thương mại sau đại dịch Covid-19 - có thể trở nên tồi tệ hơn do sự thiếu tin tưởng vào hệ thống tài chính.

Mâu thuẫn xung quanh các quyết định nâng trần nợ

Liên quan đến vấn đề trần nợ, một cuộc đối đầu gay gắt đang diễn ra giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa - những người muốn Nhà Trắng đồng ý cắt giảm chi tiêu công cũng như các cải cách khác nếu muốn nâng mức trần nợ.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và Đảng Cộng hòa đang từ chối tăng trần nợ nếu không cắt giảm ngân sách. Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã bỏ phiếu vào cuối tháng 4 để cắt giảm khoảng 4,8 nghìn tỷ USD trong một dự luật ngân sách nhằm loại bỏ kế hoạch giảm thuế đối với các khoản đầu tư năng lượng sạch và đảo ngược kế hoạch xóa nợ cho sinh viên của TT Joe Biden. Tuy nhiên, dự luật này không có cơ hội được thông qua tại Thượng viện, với đa số thành viên đảng Dân chủ.

TT Joe Biden cho đến nay vẫn khẳng định lập luận rằng trần nợ nên được nâng lên vô điều kiện, và rồi sau đó ông mới sẵn sàng thảo luận về khả năng cắt giảm ngân sách. Tổng thống Mỹ muốn đảng Cộng hòa đưa ra cam kết công khai rằng Mỹ sẽ không vỡ nợ và có thể tiếp tục thanh toán tất cả các hóa đơn của mình bằng khả năng tiếp tục vay.

tran-no-2.jpg

Các cuộc chiến trần nợ trong quá khứ thường kết thúc bằng một thỏa thuận được dàn xếp vội vàng trong những giờ đàm phán cuối cùng để tránh được tình trạng vỡ nợ. Vào năm 2011, mâu thuẫn giữa hai đảng trong vấn đề tương tự đã khiến xếp hạng tín dụng hàng đầu của Mỹ bị hạ bậc lịch sử. Khi đó, ông Joe Biden giữ chức vụ phó tổng thống dưới thời chính quyền TT Barack Obama, chứng kiến việc Nhà Trắng buộc phải nhượng bộ trước đảng Cộng hòa trong nỗ lực tránh vỡ nợ và ông Biden hiện muốn tránh lặp lại chuyện đó một lần nữa.

Cuộc đàm phán chưa có hồi kết

Về lý thuyết, tổng thống có thể viện dẫn Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ quy định “tính hợp lệ của khoản nợ công của Mỹ, được luật pháp cho phép, ... sẽ không bị nghi ngờ”.

Một số nhà phân tích tin rằng ông Biden sẽ viện dẫn quan điểm ông có nghĩa vụ làm theo hiến pháp để tránh vỡ nợ và do đó có thể vượt quá giới hạn nợ để tiếp tục chi tiêu. Tuy nhiên, động thái đó gần như chắc chắn sẽ dẫn đến tranh chấp pháp lý, nhiều nguy cơ làm xáo trộn thị trường tài chính.

Đảng Cộng hòa đã cảnh báo rằng TT Joe Biden không thể hành động đơn phương và giải pháp phải được Quốc hội thông qua.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng hòa đã có cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden vào 9/5 để tìm kiếm một giải pháp cho các mâu thuẫn. Dù chưa mang đến bất kỳ kết quả nào, cả hai bên đều đã đồng ý tiếp tục các cuộc thảo luận trong thời gian tới.

Về phía mình, TT Joe Biden gọi các cuộc đàm phán là hiệu quả và dường như đưa ra cho Đảng Cộng hòa một số khả năng thỏa hiệp, bao gồm cả việc xem xét thu hồi các quỹ cứu trợ Covid-19 chưa sử dụng để giảm chi tiêu của chính phủ.

Nhưng ông Biden cũng nhắc lại rằng các đảng viên Cộng hòa phải loại bỏ mối đe dọa vỡ nợ ra khỏi bàn đàm phán và không loại trừ khả năng cuối cùng TT sẽ viện dẫn tu chính án thứ 14 của hiến pháp Mỹ.

Khác với ông Biden, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nhấn mạnh sự thiếu tiến bộ của cuộc họp. “Tôi không thấy bất kỳ chuyển động mới nào,” ông McCarthy nói với các phóng viên, phàn nàn rằng Biden không đồng ý đàm phán cho đến khi hết thời gian. “Đó không phải là cách mà bạn điều hành một đất nước,” ông McCarthy chỉ trích. Tuy nhiên, ông McCarthy sau đó có hạ giọng và nhắc tới việc TT Joe Biden sẵn sàng thảo luận về những cải cách đối với quy trình cấp phép cho các dự án năng lượng mới như một phần của cuộc đàm phán.