"Đế chế" Lã Vọng đang muốn trở lại bằng việc liên tục “đi săn” dự án ở các tỉnh thành trên cả nước, sau thời gian dài ở ẩn vì bị Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện công ty và các dự án...
Theo đó, các doanh nghiệp liên quan đến ông Lê Văn Vọng - người được biết đến là ông chủ của "đế chế" Lã Vọng (bao gồm các nhà hàng, dự án nổi tiếng tại Hà Nội) lần lượt xuất hiện tại các tỉnh như Hoà Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đồng Nai, Hà Nam,... tham gia đấu giá thực hiện các dự án nhưng hầu hết đều bất thành...
NHỮNG "VỎ BỌC" MỚI
Đầu tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện các dự án của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng, cùng các đơn vị thành viên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó gồm có 5 dự án do Công ty Lã Vọng và các công ty thành viên làm chủ đầu tư, 3 dự án hợp tác đầu tư và 1 dự án thuê mặt bằng kinh doanh.
Các dự án này đã vi phạm hàng loạt những sai phạm liên quan tới việc đấu giá dự án, cho thuê đất, chỉ định nhà đầu tư, nghĩa vụ tài chính... Đến thời điểm hiện tại, sau 5 năm bị thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã xác nhận vẫn còn 4 sai phạm liên quan đến Công ty Lã Vọng tại Hà Nội chưa được xử lý hoàn tất.
Tuy nhiên, trùng hợp là chỉ trước mấy tháng khi bị thanh tra, ông Vọng cùng hai người em trai (ông Lê Văn Vân và Lê Văn Hải) đã thoái toàn bộ vốn toàn bộ tại gần 20 công ty đã thành lập trước đó. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi vấn về sự chuyển biến đột ngột và đúng thời điểm này?
Sau khi "thoát xác" thành công và thay thế bằng những pháp nhân hoàn toàn mới, Lã Vọng lại tiếp tục đi đầu tư bất động sản ở nhiều tỉnh thành khác, và trúng thầu loạt những dự án có tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, hai tháng sau khi thoái vốn Công ty Cổ phần Lã Vọng, ông Lê Văn Vọng thành lập một công ty mới là Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Tài chính Việt Nam và sở hữu tới 99% cổ phần.
Công ty này và Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới - doanh nghiệp chủ chốt của "đế chế" Lã Vọng đã lập liên danh và tham gia đấu giá dự án Khu đô thị mới Trung Minh A tại xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình. Dự án có diện tích khoảng 83,57 ha và tổng mức đầu tư khoảng 1.126 tỷ đồng. Tên thương mại của dự án là Casa Del Rio.
Và bằng những "kỹ năng" của mình, đến tháng 12/2019, liên doanh chính thức được chấp thuận làm nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều dự án trước đó, dự án này bị thanh tra và báo chí "bêu tên" bởi hàng loạt những sai phạm.
Đến tháng 10/2020, một liên danh khác từ "đế chế" Lã Vọng là Công ty Cổ phần Lã Vọng Group và Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới tiếp tục được chấp thuận làm nhà đầu tư dự án Khu đô thị mới Trung Minh B, cũng nằm tại xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình. Dự án này có quy mô gần 59 ha và tổng vốn đầu tư gần 780 tỷ đồng.
Hai năm sau, vào tháng 10/2022, UBND tỉnh Hoà Bình đã chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận Công ty Cổ phần Việt-Eco Hòa Bình là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái và trung tâm dưỡng lão Việt-Eco Hòa Bình.
Dự án có địa chỉ tại xóm Nà Bờ, xã Sào Báy và xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Tổng mức đầu tư là 937,2 tỷ đồng và quy mô là 60,9 ha.
Tháng 4/2023, cũng tại tỉnh Hoà Bình, liên doanh Công ty Cổ phần Việt - Eco Hoà Bình và Tập đoàn Hòa Bình đã được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện Khu nhà vườn cao cấp (Golden Farm) tại xã Sào Báy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Dự án này có quy mô hơn 86 ha và tổng mức đầu tư hơn 1.640 tỷ đồng.
Chưa hết, một tháng sau, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Havana là nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ năng lực làm Dự án Khu đô thị Mông Hoá, thuộc phường Kỳ Sơn, thành phố Hoà Bình. Theo đó, Havana sẽ hợp tác cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã chứng khoán: HBC) thực hiện dự án này. Dự án Khu đô thị Mông Hoá có quy mô 22,7 ha, tổng vốn đầu tư 2.280 tỷ đồng.
Trên thực tế, cả Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Havana và Công ty Cổ phần Việt - Eco Hoà Bình đều là hai doanh nghiệp có liên quan nhau và có liên hệ đến hệ "đế chế" Lã Vọng của đại gia Lê Văn Vọng.
Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Havana mới thành lập vào tháng 10/2021. Cổ đông sáng lập gồm 3 cá nhân: Vũ Hà Linh; Hoàng Thị Nhung và Lê Thị Thanh Minh. Đáng chú ý, bà Hoàng Thị Nhung từng có thời gian làm Thành viên HĐQT của Công ty Cổ phần Lã Vọng Group (Tập đoàn Lã Vọng) giai đoạn 2019 - 2020.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Minh được biết đến với vai trò Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Việt – ECO Hòa Bình. Công ty này được thành lập ngày 8/8/2017 và cơ cấu cổ đông bao gồm có bà Vũ Thị Hồng (5%), ông Phạm Kỳ Nam (5%) và ông Lê Văn Hải (90%).
Ông Lê Văn Hải chính là em trai ông Lê Văn Vọng và cùng ông Vọng thành lập nên một loạt Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các doanh nghiệp khác trong cùng hệ sinh thái bị thanh tra kiểm tra.
Không chỉ tiến quân lên thành phố Hoà Bình, Vọng còn đến tỉnh Hà Nam tìm cơ hội. Tháng 5/2023, thành viên Lã Vọng là Công ty TNHH Khoáng sản Việt - Stone đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị Đại học Nam Cao, nằm tại thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Dự án có diện tích hơn 101 ha và tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng.
Cũng tại thị xã Duy Tiên, ba thành viên nhóm Lã Vọng cũng đã lập liên danh để đầu tư Dự án Khu đô thị mới tại phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Cụ thể gồm: Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát Triển đô thị Đại Việt và Công ty TNHH Khoáng sản Việt - Stone
Dự án này đã được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hồi tháng 8/2022, có diện tích 48,4 ha, sơ bộ tổng chi phí thực hiện khoảng 1.986 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Thương gia, Công ty TNHH Khoáng sản Việt - Stone thành lập năm 2017 với số vốn điều lệ 86 tỷ đồng. Cổ đông gồm: Ông Lê Văn Hải (chiếm 95% vốn điều lệ) và Phạm Kỳ Nam (chiếm 5% vốn điều lệ).
Đến tháng 10/2022, công ty này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, thành phần cổ đông đã thay đổi thành: Bà Đỗ Thị Thúy Ngọc (chiếm 95% vốn điều lệ), và ông Trần Đức Tuấn (chiếm 5% vốn điều lệ). Mặc dù có sự thay đổi, nhưng về cơ bản, Khoáng sản Việt – Stone vẫn nằm trong tay hệ sinh thái của Lã Vọng vì bà Đỗ Thị Thúy Ngọc là người cùng nhà ông Lê Văn Hải.
Được biết, trước đó, vào năm 2020 - thời điểm vẫn đang trong quá trình thanh tra, Lã Vọng còn xuất hiện tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể, Liên danh Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư tài chính Việt Nam (VFI Group), Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư quốc tế DHR đã đề xuất làm quần thể vui chơi giải trí và biệt thự sinh thái Santa Barbara Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có ý kiến chỉ đạo các Sở có liên quan xem xét về đề xuất này. Được biết, đến nay, tỉnh chưa có thêm thông tin gì về dự án.
Sau đó, liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam - Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi Nhà Mới và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Israel (Israel) còn đề xuất làm dự án tại huyện Di Linh và huyện Lâm Hà 18.000ha tại Lâm Đồng.
Tuy nhiên, đến nay, cả 2 dự án này đều không có thêm thông tin nào.
Cần nói thêm rằng, mặc dù đang bị thanh tra, kiểm tra và tới thời điểm hiện tại, các công ty liên quan của "đế chế" Lã Vọng vẫn chây ì, chậm khắc phục các sai phạm nhưng các công ty liên quan đến ông Lê Văn Vọng vẫn trúng hàng loạt dự án lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Không những thế, vào tháng trước, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo Hà Nội khẩn trương thực hiện dứt điểm các nội dung kết luận, kiến nghị chưa thực hiện và thực hiện ý kiến chỉ đạo xử lý sau thanh tra của Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Lã Vọng (Công ty Lã Vọng) và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội.
CÀNG SAI PHẠM CÀNG NHẬN ĐƯỢC "ƯU ÁI"?
Lại nói về dự án trên. Khi trúng thầu dự án Trung Minh A và Trung Minh B, liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Tài chính Việt Nam và Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới lập một doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh.
Công ty này được thành lập vào tháng 2/2020. số vốn điều lệ hiện tại là 186 tỷ đồng, trong đó VFI Group góp 40% và CTCP Thương mại Ngôi Nhà mới góp 60%.
Điều đáng nói, vào năm 2021, Thanh tra Bộ Xây dựng ra kết luận về dự án này. Theo đó, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Khu đô thị Minh Trung A do liên danh Công ty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới - Công ty CP Tập đoàn đầu tư Tài chính Việt Nam - Công ty CP Lã Vọng Group làm chủ đầu tư có diện tích đất ở vượt hơn 78.800m2 so với diện tích đất ở theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hòa Bình đến năm 2035 đã được duyệt.
Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu lập, thẩm định, phê duyệt lại đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đảm bảo diện tích đất ở phù hợp theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hoà Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, vào tháng 3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chấp thuận cho UBND tỉnh Hòa Bình quyết định chuyển mục đích sử dụng 43,98 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Khu đô thị mới Trung Minh A.
Đến tháng 6/2023, UBND tỉnh Hoà Bình vừa có văn bản về việc quy hoạch Khu Đô thị mới Trung Minh. Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND thành phố Hòa Bình rà soát, lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Hòa Bình đến năm 2035 khu vực phường Trung Minh, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định như đề xuất của Sở Xây dựng. Thời gian hoàn thành việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung chậm nhất trong tháng 8/2023.
Giao chủ đầu tư dự án thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án này, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định như đề xuất của Sở Xây dựng tại văn bản nêu trên.
Cũng liên quan tới dự án này, theo tìm hiểu của Thương gia, tháng 7/2023, Công ty TNHH Khu Đô thị mới Trung Minh - đơn vị thực hiện dự án Khu đô thị Trung Minh phát hành trái phiếu liên tiếp 2 đợt với tổng trị giá 600 tỷ đồng.
Hai lô trái phiếu kỳ hạn 60 tháng, lãi suất năm đầu 12.5%/năm và sau đó thả nổi. Trong đó, lô TMCCH2328001 kỳ hạn từ 30/06/2023 - 30/06/2028 và lô TMCCH2328002 kỳ hạn từ 14/07/2023 - 14/07/2028. Lãi suất cố định tối đa của 2 lô trái phiếu là 12,5%/năm cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên. Tổ chức lưu ký là Công ty Cổ phần Chứng khoán HD (HDS).
Cần nhấn mạnh thêm rằng, sau khi huy động 600 tỷ từ trái phiếu, khu đô thị mới Trung Minh A được gia hạn thêm hai năm. Cụ thể, UBND tỉnh Hòa Bình đồng ý gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng thực hiện dự án khu đô thị mới Trung Minh A và thời gian gia hạn 24 tháng tính từ 11/05/2023 (tức tới 11/05/2025).
Ngoài ra, Trung Minh còn sử dụng các tài sản liên quan tới dự án khu đô thị mới Trung Minh để thế chấp tại một ngân hàng lớn. Điều đáng nói, chỉ riêng trong tháng 6/2023, đã có tới 8 khoản bảo đảm được nhắc đến liên quan tới chủ đầu tư, công ty thực hiện dự án và ngân hàng này.
Cụ thể, Công ty CP thương mại Ngôi nhà mới thế chấp toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH khu đô thị mới Trung Minh trị giá: 111.600.000.000 VND (Bằng chữ: Một trăm mười một tỷ, sáu trăm triệu đồng) và toàn bộ các quyền, lợi tức, phần giá trị/tài sản/lợi ích phát sinh tăng thêm/tài sản hình thành (bao gồm cả hình thành trong tương lai) từ Phần vốn góp của bên bảo đảm
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam thế chấp toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH khu đô thị mới Trung Minh trị giá: 74.400.000.000 VND (Bằng chữ: bảy mươi tư tỷ, bốn trăm triệu đồng) và toàn bộ các quyền, lợi tức, phần giá trị/tài sản/lợi ích phát sinh tăng thêm/tài sản hình thành (bao gồm cả hình thành trong tương lai) từ phần vốn góp của bên bảo đảm
Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh thế chấp toàn bộ các khoản thu hình thành trong tương lai, hoa hồng, lợi tức, huy động vốn... trong đó là cả 600 tỷ đồng tiền phát hành trái phiếu.
Điều này khiến thị trường đặt ra một nghi vấn: Nếu tất cả các khoản thế chấp này đều nhằm mục đích vay vốn cho dự án Khu đô thị Trung Minh thì liệu rằng có gây rủi ro mất vốn cho ngân hàng lớn này hay không? Trong khi, chính các doanh nghiệp liên quan tới hệ sinh thái Lã Vọng đang liên tục mắc các vi phạm tại tất cả các dự án mình tham gia và việc khắc phục hậu quả cũng luôn trong trạng thái chây ì và chậm chạp.