Lãi suất vay margin đang tăng lên tới gần 15%

Các công ty chứng khoán đều đồng loạt tăng lãi suất vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán lên gần 15%.

Điển hình như Công ty Chứng khoán VNDirect thông báo từ ngày mai (7/11) sẽ điều chỉnh lãi suất vay margin và ứng trước tiền bán lên 13,8% một năm. Đặc biệt, những khách hàng giao dịch cổ phiếu trong danh mục 50 mã có nền tảng cơ bản và thanh khoản tốt nhất thị trường do VNDirect lựa chọn được ưu đãi lãi suất 10,9% một năm.

Từ giữa tuần sau, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng tăng lãi suất vay margin từ 12% lên 13,5% một năm. Hay Công ty Chứng khoán ACB nâng lãi suất cho 14 ngày vay đầu tiên từ 4,5% lên 6% một năm và giữ nguyên mức lãi suất 14% một năm kể từ ngày vay thứ 15 trở đi.

Trước đó, đầu tháng 11, SSI cũng thông báo tăng lãi suất vay margin từ 11,88% một năm lên 13,5% một năm.

aria-grand-700x300px.jpg

Không những thế, nhiều công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ còn áp dụng lãi suất mới sớm hơn, từ giữa tháng 9 và đầu tháng 10, với mức tăng hầu hết không dưới một điểm phần trăm.

Cụ thể, Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) tăng 1% đối với tất cả hạng khách hàng và nâng phí ứng trước tiền bán lên 14,5% một năm. Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt và Bản Việt cùng điều chỉnh lãi suất vay từ khoảng 12,2% lên 13,3% một năm.

Mặt bằng lãi suất vay margin chứng khoán đã tăng mạnh so với cách đây một năm, khi đó mức vay trung bình chỉ khoảng 9-11% một năm. Tuy nhiên, thị trường thăng hoa khiến nhu cầu vay ký quỹ tăng cao, dẫn đến dư nợ cho vay toàn thị trường có lúc vượt 200.000 tỷ đồng.

Đây là một phần nguyên nhân giúp thanh khoản thị trường duy trì trên mức 20.000 đồng mỗi phiên trong thời gian dài. Khi đó, các công ty chứng khoán liên tục tăng vốn điều lệ để tăng hạn mức cấp margin cho nhà đầu tư.

Khi thị trường lao dốc từ đầu tháng 4 đến nay, hoạt động cho vay cũng thu hẹp. Dư nợ cho vay ký quỹ chứng khoán tính đến cuối quý III/2022 toàn thị trường xấp xỉ 170.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm.

Tuy nhiên, nếu so với giữa năm thì dư nợ đang nhích lên bởi nhà đầu tư có quy mô tài sản lớn nhiều khả năng rục rịch trở lại thị trường, mục đích nhằm tìm kiếm cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn.