Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo đưa cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/5. Theo đó, VNZ chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.
HNX cho biết, nguyên nhân khiến cổ phiếu VNZ bị hạn chế giao dịch là do VNG chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định.
Trước đó, vào ngày 31/3, VNG đã công bố thông tin bất thường về việc tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Phía công ty giải trình lý do, bao gồm báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất là vì VNG đang thực hiện song song báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS).
VNG là tập đoàn công nghệ có hoạt động kinh doanh không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước khác trên thế giới. VNG hiện có 33 công ty con và công ty liên kết, trong đó 18 công ty và quỹ từ thiện tại Việt Nam và 14 công ty ở nước ngoài (gồm thị trường Đông Nam Á, Hong Kong, Trung Quốc và Australia) với các quy định về kế toán và pháp lý khác nhau.
Vì vậy, để đảm bảo số liệu của báo cáo tài chính thống nhất và đáp ứng chuẩn mực kế toán trong và ngoài nước, phía VNG cho biết cần nhiều thời gian hơn để kiểm tra, đối chiếu, xác nhận thông tin cho báo cáo tài chính.
Cổ phiếu VNZ chính thức niêm yết trên sàn UPCoM từ ngà 5/1/2021 với tổng khối lượng là hơn 35,8 triệu cổ phiếu; trong đó, 28,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành và 7,1 triệu cổ phiếu quỹ. Trong ngày giao dịch đầu tiên VNZ với mức giá tham chiếu là 240.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến "tàu lượn siêu tốc" của cổ phiếu VNZ trong 3 tháng vừa qua Quảng cáo
Tại thời điểm này, cổ phiếu VNZ gây ra nhiều tranh cãi khi đưa ra mức giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu trong khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp liên tục thua lỗ.
Theo dõi diễn biến của cổ phiếu này các nhà đầu tư càng tăng thêm hoài nghi khi trong khoảng 15 phiên giao dịch đầu tiên VNZ luôn trong tình trạng không có giao dịch. Bước sang đầu tháng 2, VNZ ghi nhận những giao dịch đầu tiên với thanh khoản 100 – 300 cổ phiếu/ phiên.
Qua nhiều phiên tăng trần liên tiếp, ngày 15/2, cổ phiếu VNZ gây “sốc” với nhà đầu tư khi ghi nhận mức giá 1,358 triệu đồng/cổ phiếu, gấp 5,65 lần so với mức giá chào sàn. Sau đó VNZ cũng có những điều chỉnh, hiện đang giao dịch ở mức 769.000 đồng/cổ phiếu, vẫn duy trì “vị trí” cổ phiếu có giá cao nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, những cổ phiếu có đà tăng “thần tốc” như VNZ sẽ gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư. Nhất là trong bối cảnh kết quả kinh doanh của VNG liên tiếp ghi nhận con số âm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất tự lập quý 1/2023, VNG ghi nhận doanh thu thuần 1.852 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 847 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi các chi phí, tổ VNG lỗ trước thuế 43 tỷ đồng và lỗ ròng 90 tỷ đồng sau thuế trong đó lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 40,5 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2022, VNG cũng lỗ 1.315 tỷ đồng; lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ở mức 858 tỷ đồng, mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của VNG. Đây không những là số lỗ kỷ lục mà còn là lần đầu tiên cả 3 chỉ tiêu này đều ở mức âm trong lịch sử hoạt động của công ty.
Thanh khoản của cổ phiếu VNZ cũng luôn ở mức thấp nên nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu VNZ muốn bán ra sẽ là một điều đáng ngại. Căn cứ vào tình hình giao dịch hiện tại chỉ giao dịch vài trăm đơn vị/phiên thì thời gian “thoát được hàng” cũng khá lâu. Tỉ lệ free-float thấp VNZ có khả năng biến động lớn, nên đồng nghĩa với rủi ro cao khi giá cổ phiếu có thể dễ dàng bị thao túng.