Ngày 21/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank – mã chứng khoán: CTG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023...
Theo báo cáo tại đại hội, năm 2022, tỷ lệ thù lao chi trả cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát bằng 0,16% lợi nhuận sau thuế, thấp hơn so với tỷ lệ được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua (tối đa bằng 0,28%).
Như vậy, mức chi thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát năm 2022 là 19 tỷ đồng. Trong đó, thù lao của Hội đồng quản trị là 15,3 tỷ đồng và của Ban kiểm soát là 3,6 tỷ đồng.
Lý giải về việc thù lao của dàn lãnh đạo giảm tới 42% so với dự kiến, đại diện VietinBank cho biết, đây là một trong những biện pháp của ngân hàng trong việc thực hiện các giải pháp chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trước đó, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán của VietinBank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Minh Bình nhận 2,46 tỷ đồng. Các thành viên khác trong Hội đồng quản trị nhận mức lương từ 1,5 đến 2,1 tỷ đồng.
Điều đáng nói, mặc dù cũng là thành viên Hội đồng quản trị nhưng người do đối tác MUFG đề cử chỉ nhận mức thù lao 386 triệu đồng. Theo đó, mức lương của Chủ tịch Trần Minh Bình đã gấp 6 lần vị này. Thậm chí, nếu so với các thành viên Hội đồng quản trị khác thì cũng đã gấp ít nhất 4 lần người đại diện MUFG.
Mặt khác, so với năm 2021, thành viên do đối tác MUFG được tăng lương có vỏn vẹn 1 triệu đồng trong năm 2022. Song lương của các thành viên Hội đồng quản trị khác đều tăng khá mạnh. Điển hình như lương Chủ tịch VietinBank tăng 95 triệu đồng.
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch VietinBank Quảng cáo
Cũng theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, đối với thù lao của thành viên Ban kiểm soát năm 2022, bà Lê Thanh Hà (Trưởng ban) nhận 1,5 tỷ đồng, bà Phạm Thị Thơm 1,1 tỷ đồng.
Thù lao năm 2022 của Ban điều hành cao nhất là ông Nguyễn Hoàng Dũng (Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành) nhận 2,36 tỷ đồng. Các Phó Tổng giám đốc có mức lương thấp hơn, cao nhất là ông Trần Công Quỳnh Lân 2,26 tỷ đồng. Riêng ông Đỗ Thanh Sơn bổ nhiệm từ 10/2022 nên chỉ nhận được 420 triệu đồng.
Về thù lao cho lãnh đạo năm 2023, Đại hội đồng cổ đông thông qua đề xuất tối đa 0,25% lợi nhuận sau thuế năm 2023. Trong trường hợp bổ sung thêm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Hội đồng quản trị được quyết định mức thù lao phát sinh.
Quay trở lại với cuộc đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của VietinBank, lãnh đạo ngân hàng chia sẻ thêm về kết quả kinh doanh quý trong quý 1. Cụ thể, tính đến 31/3/2023, dư nợ tín dụng (cả cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) tăng 4,6%. Trong đó, cho vay tăng gần 28.091 tỷ đồng, tăng 4,61%; trái phiếu doanh nghiệp giảm 1,43%. Room tín dụng VietinBank được cấp năm 2022 là 12,47% và 8,7% cho giai đoạn đầu của năm 2023.
Trước câu hỏi của cổ đông về hoạt động bancassurance, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành chia sẻ, năm 2022 là một năm bản lề trong hoạt động bancassurance. Đối với mảng nhân thọ là năm đầu hợp tác Manulife và với mảng phi nhân thọ, Công ty Bảo hiểm VietinBank (VBI) có kiện toàn nhân sự cấp cao cũng như điều chỉnh về phương thức triển khai hoạt động.
“Cuối năm 2022, VietinBank đứng thứ 9/25 về mảng bán chéo bảo hiểm trong số các ngân hàng. Hoa hồng đạt được từ mảng nhân thọ là 418 tỷ đồng, và phi nhân thọ là 416 tỷ đồng, đóng góp 26% thu phí hoạt động bán lẻ”, ông Dũng tiết lộ.
Cũng theo ông Dũng, riêng trong quý 1 tình hình có những khó khăn, tổng thu phí đạt được là 263 tỷ đồng, xếp hạng thứ 5/25 các ngân hàng, trong đó mảng phi nhân thọ là 60 tỷ đồng.
Trong năm 2023, VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng khá thách thức với mảng bảo hiểm với mục tiêu doanh thu phí đạt 4.080 tỷ đồng, tăng 30%, thu phí bảo hiểm về ngân hàng đạt 809 tỷ đồng trong đó mảng nhân thọ qua Manulife tăng 51%.
Cuối cùng, Đại hội đồng cổ đông VietinBank thông qua tờ trình của Hội đồng quản trị về chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 gồm: Tổng tài sản tăng từ 5-10%; nợ xấu dưới 1,8%. Đồng thời, cổ đông cũng chấp thuận với kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 12.330 tỷ đồng lên 60.387 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ tức để trả cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2016.
Hiện các chỉ tiêu về lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng huy động không được ngân hàng đặt ra cụ thể. Thay vào đó, Hội đồng quản trị và Ban Điều hành đề nghị Đại đội đồng cổ đông chấp thuận uỷ quyền cho Hội đồng quản trị quyết định các chỉ tiêu chính thức trên cơ sở ý kiến, chỉ đạo, phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, diễn biến của thị trường và thực tế hoạt động kinh doanh của VietinBank.