Lotte Group: Hành trình từ nhà sản xuất kẹo cao su Nhật Bản đến tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc

Với khởi đầu khiêm tốn vào năm 1948 tại Nhật Bản, Lotte Group ngày nay là một tập đoàn bán lẻ, khách sạn và giải trí hàng đầu châu Á...

Vào năm 1941, trong Thế chiến II, một thanh niên Hàn Quốc đã quyết tâm chứng minh được ước mơ của mình có thể vượt xa khoảnh đất trang trại nhỏ bé của gia đình. Học hết cấp 3, ông Shin Kyuk Ho lên tàu thủy từ thành phố cảng Busan của Hàn Quốc đến Nhật Bản với mong muốn trở thành tiểu thuyết gia.

Nhưng số phận đã đưa ông tới một con đường sự nghiệp hoàn toàn khác, xây dựng thành công một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc Lotte Group, và được biết đến với biệt danh “ông trùm kẹo cao su” châu Á.

Ngày nay, Lotte Group sở hữu một hệ thống trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng thức ăn nhanh và công viên giải trí lớn trên toàn cầu. Trụ sở 123 tầng của tập đoàn tại Seoul là tòa nhà chọc trời cao thứ sáu trên thế giới.

Lotte Group Lotte Tower, trụ sở chính của tập đoàn là tòa nhà cao thứ sáu trên thế giới

Khởi đầu khiêm tốn

Ông Shin Kyuk Ho sinh ra vào năm 1921, là con út trong một gia đình có 10 người con tại Ulsan, khi đó là một thị trấn cảng nhỏ ở phía đông nam Hàn Quốc. Sau khi tìm đường sang Tokyo vào giai đoạn những năm 40, ông Shin bắt đầu với công việc giao báo khi đang theo học tại một trường cao đẳng kỹ thuật địa phương.

Ông Shin Kyuk Ho đã chọn cho mình một cái tên tiếng Nhật - Shigemitsu - để giúp ông hòa nhập với các bạn và sau này là các đối tác kinh doanh.

lotte-hanh-trinh-tu-mot-nha-san-xuat-keo-cao-su-o-nhat-ban-thanh-tap-doan-hang-dau-han-quoc_649d4f3ca0e59.jpg Chân dung nhà sáng lập Lotte Group Shin Kyuk Ho

Giống như nhiều người ở Nhật Bản hậu chiến tranh, ông Shin có một đam mê lớn với văn hoá nước Mỹ. Sau khi chứng kiến những người lính Mỹ phát kẹo cao su cho trẻ em, ông Shin đã nảy ra cảm hứng thành lập công ty riêng của mình ở Tokyo để sản xuất kẹo cao su cho thị trường Nhật Bản.

Vào thời điểm đó, Nhật Bản là một địa điểm khá gây tranh cãi nếu một người Hàn Quốc muốn xây dựng công việc kinh doanh của mình. Bởi thời gian trước năm 1945, Hàn Quốc vẫn được coi là thuộc địa của Nhật Bản.

Công ty của ông Shin bắt đầu mở cửa kinh doanh vào năm 1948, sản xuất kẹo cao su dưới các nhãn hiệu như Cowboy và Mable Gum. Dấu vết duy nhất về những giấc mơ văn học thuở bé của ông Shin Kyuk Ho là cái tên Lotte, được ông lấy từ tên Charlotte, nữ anh hùng trong cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn của chàng Werther” của Wolfgang von Goethe.

lotte-hanh-trinh-tu-mot-nha-san-xuat-keo-cao-su-o-nhat-ban-thanh-tap-doan-hang-dau-han-quoc_649d4e2445e16.jpg Một tấm poster quảng cáo cho sản phẩm kẹo cao su Almond Big Bar của Lotte tại Nhật Bản

Sau đó vài năm, công ty của ông Shin Kyuk Ho nhanh chóng mở rộng sang sản xuất các sản phẩm thực phẩm khác như bánh kẹo và socola; đồng thời khéo léo mở rộng tiếp thị thông qua việc tài trợ cho các chương trình truyền hình và đội bóng chày Nhật Bản, nay có tên là Lotte Orions.

Cho đến năm 1965, Lotte dường như đã nhận được một “món quà” mà chính bản thân ông Shin Kyuk Ho đã chờ đợi từ lâu. Đó là khi Nhật Bản và Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Điều này cho phép Lotte mở rộng về quê hương của nhà sáng lập vào năm 1967, thời điểm Hàn Quốc đang trải qua thời kỳ tăng trưởng chưa từng có.

Và đúng với nguồn gốc ban đầu của doanh nghiệp, sản phẩm đầu tiên của Lotte tại Hàn Quốc cũng sẽ là kẹo cao su, với nhiều mặt hàng khác dần theo sau.

Quảng cáo lotte-hanh-trinh-tu-mot-nha-san-xuat-keo-cao-su-o-nhat-ban-thanh-tap-doan-hang-dau-han-quoc_649d4e662a994.jpg Tấm biển quảng cáo cho kẹo cao su Juicy & Fresh trong thời gian đầu của Lotte tại Hàn Quốc

Vào thời điểm những năm 1970, người ta đã tiến hành nghiên cứu về một thứ gọi là xylitol, một chất thay thế đường được ca ngợi ở Phần Lan vì những lợi ích về răng của nó. Cuối cùng, khi xylitol được cấp phép làm chất phụ gia thực phẩm vào năm 1997, Lotte đã chớp lấy cơ hội để tạo ra một loại kẹo cao su có chất làm ngọt, trở thành công ty đầu tiên ở Nhật Bản làm như vậy.

“Kẹo cao su là sản phẩm quan trọng nhất của Lotte Confectionery. Trong số đó, kẹo cao su Xylitol của Lotte có vị thế lớn nhất. Xylitol còn được ví như “kẹo cao su quốc dân” của Hàn Quốc”, người phát ngôn của Lotte Confectionery từng có chia sẻ với báo giới. “Xylitol đã “gây bão” trên thị trường kẹo cao su Hàn Quốc như một sự thay thế lành mạnh hơn cho kẹo cao su thông thường. Nếu bạn xếp tất cả các hộp kẹo chúng tôi đã bán, nó sẽ kéo dài 269.561km, tương đương với 6,7 vòng quanh Trái đất”.

Ngày nay, các gói kẹo cao su Xylitol màu xanh trắng của Lotte có thể được tìm thấy trên các kệ hàng của hầu hết mọi cửa hàng tiện lợi trên khắp thế giới.

Vươn tầm thế giới

Thập niên 1970 và 1980 là khoảng thời gian Lotte Group tập trung vào việc mở rộng ra nước ngoài, xây dựng một nhà máy ở bang Michigan của Mỹ và mở văn phòng kinh doanh ở Chicago để đưa kẹo cao su và bánh quy mang thương hiệu Lotte vào thị trường Mỹ.

Sau đó là sự “bành trướng” của Lotte trên khắp châu Á và sự ra mắt của các công ty con tại những thị trường đang phát triển như Thái Lan vào năm 1988 và Indonesia vào năm 1993.

Lotte chuyển hướng sang Trung Quốc vào 1994, và ngay sau đó triển khai các hoạt động tương tự ở Philippines và Việt Nam.

lotte-hanh-trinh-tu-mot-nha-san-xuat-keo-cao-su-o-nhat-ban-thanh-tap-doan-hang-dau-han-quoc_649d50f804d68.jpg Lotte kỷ niệm 10 năm thành lập tại Hàn Quốc bằng một sự kiện tri ân gia đình và bạn bè, tận dụng cơ hội này để quảng bá các sản phẩm mới của mình

Tại quê nhà Hàn Quốc, nền kinh tế đang bùng nổ giúp người dân có thu nhập cao hơn và họ sẵn sàng chi tiêu cho bánh kẹo và đồ ăn nhẹ. Nắm bắt xu thế này, Lotte đã nhanh chóng phát triển thêm các sản phẩm bánh kẹo tiện lợi như Pepero – một loại bánh quy nhúng socola được bán theo hộp.

Đã có phản ứng dữ dội từ thương hiệu Nhật Bản Pocky, công ty đã phát minh ra một món bánh tương tự vào năm 1966 và cho rằng Lotte đã đánh cắp ý tưởng của mình. Nhưng Pocky đã vấp phải rào cản trong thủ tục pháp lý vì vào thời điểm đó, chỉ có Pepero được bán ở Hàn Quốc.

lotte-hanh-trinh-tu-mot-nha-san-xuat-keo-cao-su-o-nhat-ban-thanh-tap-doan-hang-dau-han-quoc_649d4ec9b65db.jpg Khi Lotte bắt đầu tung ra thị trường sản phẩm Pepero, tập đoàn đã bị thương hiệu Nhật Bản Pocky chỉ trích

 

Với Pepero, Lotte đã đạt được thành công về mặt tiếp thị mà hầu hết các thương hiệu chỉ có thể mơ ước: có riêng một ngày lễ được đặt theo tên của loại bánh này. Ngày Pepero (Pepero Day), diễn ra vào 11/11 hàng năm tại Hàn Quốc, được tổ chức giống như Ngày lễ tình nhân 14/2, với giới trẻ Hàn Quốc xếp hàng dài để mua những gói Pepero đầy màu sắc để ăn và chia sẻ với người thân, bạn bè. Các báo cáo phương tiện truyền thông đã xác minh doanh số bán Pepero chỉ riêng trong Ngày Pepero chiếm tới 50% tổng doanh số hàng năm.

Đế chế của Lotte giờ đây đã vượt xa khỏi công ty kẹo cao su khiêm tốn ban đầu, và tiếp tục lớn mạnh hơn nữa. Lotte Group hiện sở hữu hơn 100 đơn vị kinh doanh với trên 100.000 nhân công trong các ngành công nghiệp khác nhau như sản xuất bánh kẹo, đồ uống, khách sạn, thức ăn nhanh, bán lẻ, dịch vụ tài chính, hóa chất, điện tử, công nghệ thông tin, xây dựng, xuất bản và giải trí.

Trước khi qua đời vào 2020 ở tuổi 98, ông Shin Kyuk Ho là nhà tài phiệt cuối cùng của Hàn Quốc được cho là đã giúp đất nước thoát khỏi đói nghèo sau chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950.

Lotte Group là một trong 5 “chaebol” của Hàn Quốc - cách gọi những tập đoàn do gia đình điều hành đã trưởng thành trong quá trình phát triển nhanh chóng hậu chiến tranh. Các doanh nghiệp này đã có công giúp Hàn Quốc từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một cường quốc xuất khẩu và duy trị vị trí kinh tế lớn thứ 12 thế giới.