Ngân hàng Quốc gia Saudi xác nhận với CNBC rằng họ đã lỗ khoảng 80% khoản đầu tư vào Credit Suisse…
Ngân hàng Quốc gia Saudi (SNB) - cổ đông lớn nhất của Credit Suisse - đang chịu tổn thất lớn sau khi UBS mua lại Credit Suisse với giá 3,2 tỷ USD. Trong đó theo các điều khoản của thỏa thuận, UBS sẽ chỉ trả cho các cổ đông của Credit Suisse 0,76 franc trên mỗi cổ phiếu.
Ngân hàng Quốc gia Saudi đã xác nhận với CNBC vào ngày 20/3 rằng họ bị lỗ khoảng 80% khoản đầu tư. Ngân hàng có trụ sở tại Riyadh nắm giữ 9,9% cổ phần của Credit Suisse, tương đương khoản đầu tư 1,4 tỷ franc Thụy Sĩ (1,5 tỷ USD), ở mức 3,82 franc Thuỵ Sĩ trên mỗi cổ phiếu.
Mặc dù thua lỗ, nhưng Ngân hàng Quốc gia Saudi cho biết chiến lược rộng lớn hơn của họ vẫn không thay đổi.
“Vào tháng 12/2022, khoản đầu tư của SNB vào Credit Suisse chiếm chưa đến 0,5% tổng tài sản của SNB và 1,7% danh mục đầu tư của SNB. Nhìn chung, không có tác động đến khả năng sinh lời từ góc độ vốn điều tiết”, Ngân hàng Quốc gia Saudi cho biết trong một tuyên bố.
“Những thay đổi trong việc định giá khoản đầu tư của SNB vào Credit Suisse không ảnh hưởng đến kế hoạch tăng trưởng của SNB và hướng trong tương lai cho năm 2023,” Ngân hàng lưu ý thêm.
Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA), nhà đầu tư lớn thứ hai của Credit Suisse, nắm giữ 6,8% cổ phần của ngân hàng và cũng chịu lỗ nặng. QIA đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Simon Fentham-Fletcher, giám đốc đầu tư của Freedom Asset Management, nhận xét: “Cảm giác của SNB lúc này có lẽ giống như tất cả các cổ đông của Credit Suisse - vô cùng tức giận vì ban lãnh đạo đã để tình hình đi đến mức này”.
Phải chăng SNB đã... "tự bắn vào chân mình"?
Tình hình bất ổn của Ngân hàng Credit Suisse không phải là điều quá mới mẻ. Sau nhiều năm vướng vào bê bối, thua lỗ hàng tỷ USD, liên tục thay đổi lãnh đạo và chiến lược, Credit Suisse vẫn không tạo được niềm tin cho nhà đầu tư.
Vào tháng 2 vừa qua, ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ đã báo cáo khoản lỗ hàng năm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 sau khi khách hàng ồ ạt rút hơn 110 tỷ franc Thuỵ Sĩ.
Trước đó vào tháng 12/2022, Credit Suisse đã huy động được khoảng 4 tỷ USD tài trợ từ các nhà đầu tư, bao gồm các ngân hàng lớn ở vùng Vịnh và các quỹ tài sản có chủ quyền như Ngân hàng Quốc gia Saudi, Cơ quan Đầu tư Qatar và Tập đoàn Arab Saudi Olayan. Quỹ tài sản có chủ quyền của Na Uy, Norges Bank Investment Management, cũng là một cổ đông lớn.
Tuy nhiên, một số người cho rằng sự hỗn loạn vào tuần trước dẫn đến việc ngân hàng phải vội vã “bán mình” là một phần do lỗi của chính Ngân hàng Quốc gia Saudi.
Vào hôm 15/3, Bloomberg đặt ra câu hỏi rằng liệu Ngân hàng Quốc gia Saudi có ý định tăng cổ phần của mình trong Credit Suisse đang gặp khó khăn hay không và Chủ tịch ngân hàng Ammar Al Khudairy đã trả lời rằng họ hoàn toàn không có ý định đó, không chỉ bởi vẫn đề quy định mà còn là nhiều lý do khác.
Nhận xét này đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ và đẩy cổ phiếu của Credit Suisse lao dốc hơn 24% trong phiên giao dịch cùng ngày, mặc dù thực tế là tuyên bố này không phải là bất ngờ. Ngân hàng Quốc gia Saudi từng cho biết vào tháng 10/2022 rằng họ không có kế hoạch mở rộng tỷ lệ nắm giữ vượt quá mốc 9,9% hiện tại.
“Tình hình tại Credit Suisse rõ ràng là không lý tưởng và các nhà đầu tư có rất nhiều dấu hỏi về tương lai của ngân hàng. Thế nhưng SNB lại đưa ra một bình luận khiến các nhà đầu tư mất bình tĩnh hơn nữa. Đúng là chẳng khác nào “tự bắn vào chân mình”, một nhân viên ngân hàng đầu tư nhận xét. “Là cổ đông lớn nhất của ngân hàng, họ sẽ mất nhiều nhất nếu ngân hàng phá sản, và đây chính xác là những gì đã xảy ra”, người này nói thêm.
Chủ tịch Ammar Al Khudairy vào ngày hôm sau đã cố gắng tìm cách làm dịu tình hình, nói với CNBC rằng “bạn có thể nhìn vào toàn bộ lĩnh vực ngân hàng và thấy được tình hình thực tế; nhưng lại có rất nhiều người chỉ đang tìm kiếm lý do bào chữa”.
“Đó là sự hoảng loạn, một chút hoảng loạn thôi. Tôi tin rằng những tin tức tiêu cực này hoàn toàn không có cơ sở, cho dù đó là đối với Credit Suisse hay đối với toàn bộ thị trường,” ông Al Khudairy nói. Nhưng những bình luận của ông cũng không khiến tình hình trở nên khả quan hơn.
Hậu quả từ sự hỗn loạn tại Credit Suisse đã tràn ra toàn bộ lĩnh vực ngân hàng, phá vỡ niềm tin của thị trường và làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu khác.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter đã vội lên tiếng trấn an người dân trong một cuộc họp báo vào ngày 19/3, nhấn mạnh rằng đây là một giải pháp thương mại chứ không phải một gói cứu trợ.
Nhận định về tình hình, giám đốc đầu tư của Freedom Asset Management Simon Fentham-Fletcher cho rằng các cổ đông, đặc biệt là những công ty lớn như Ngân hàng Quốc gia Saudi, giờ đây có thể sẽ muốn đánh giá lại cách họ đầu tư và yêu cầu thông tin chi tiết hơn về những gì đang diễn ra trong khoản đầu tư của họ.
“Điều này có thể chứng kiến sự gia tăng của các cổ đông hoạt động tích cực. Họ sẽ không chỉ muốn có một ghế trong hội đồng quản trị mà còn muốn có tai mắt thực sự,” ông Simon Fentham-Fletcher nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng tình trạng hỗn loạn của thị trường trong vài tuần qua chắc chắn sẽ làm giảm đáng kể tâm lý chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư.