Theo số liệu khảo sát "Thói quen tiêu dùng tại Việt Nam" mới nhất của Công ty TNHH PwC Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam đang thực hiện cắt giảm chi tiêu với những mặt hàng không thiết yếu...
Tuy nhiên, theo Công ty TNHH PwC Việt Nam (PwC Việt Nam) tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam thắt chặt chi tiêu thấp hơn so với khu vực Đông Nam Á và trên bình diện toàn cầu, với 62% người tiêu dùng Việt Nam trả lời rằng họ dự kiến sẽ cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết. Trong khi đó số liệu của toàn cầu là 69%.
PwC Việt Nam thông tin thêm, tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam ít lo lắng về tình hình tài chính cá nhân cao hơn so với trong bình diện toàn cầu và Đông Nam Á.
Về thay đổi danh mục mua sắm, PwC Việt Nam cho biết 54% người tiêu dùng nói rằng họ dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng xa xỉ, kế đến là du lịch (42%) và mua sắm hàng điện tử (38%) do quan ngại về giá cả gia tăng.
Hình thức mua sắm trực tuyến vẫn tiếp tục chiếm ưu thế tại Việt Nam với 64% người được khảo sát cho biết dự kiến sẽ mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn. Nhưng, việc mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng vẫn được đánh giá cao nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. 74% người tiêu dùng ưu tiên việc có thể kiểm tra được chất lượng sản phẩm; 58% mong muốn được trực tiếp lựa chọn, kiểm tra sản phẩm trước khi mua; 40% ít lo ngại về dịch Covid-19, theo PwC Việt Nam.
Nghiên cứu của PwC Việt Nam cho thấy, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả ở mức cao hơn cho các sản phẩm mang tính bền vững. Theo đó, 96% sẽ sẵn lòng chi trả ở mức giá cao hơn để mua sản phẩm từ các công ty có đạo đức kinh doanh. Điều này đòi hỏi cần có sự tái cơ cấu danh mục sản phẩm - bằng cách tự phát triển hoặc thông qua các hoạt động sáp nhập và mua lại. Và đây là yếu tố quan trọng để tăng giá thành nhằm bù đắp cho sự gia tăng chi phí và giảm biên lợi nhuận.
Người tiêu dùng đang đặc biệt quan tâm đến quyền riêng tư với con số 57% đã thể hiện lo ngại và đang thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân.
Trước bối cảnh trên, PwC Việt Nam đưa ra khuyến nghị doanh nghiệp cần tập trung phát triển danh mục sản phẩm và các tính năng phù hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chuyển dịch từ trạng thái "ứng phó" trong thời kỳ Covid sang trạng thái "dẫn đầu" để tạo tiền đề cho sự khác biệt lớn hơn.
Doanh nghiệp cần đầu tư năng lực số để thấu hiểu nhu cầu khách hàng, vận dụng trong quản lý hàng tồn kho nhằm mang lại hiệu quả cao hơn và khả năng phục hồi trước sự biến động. Đón đầu các xu hướng và dự trù chi phí từ các mô hình kinh doanh mới bằng việc quản trị hệ thống dữ liệu hiệu quả.
Ngoài những giải pháp trên, PwC Việt Nam khuyên các doanh nghiệp cũng cần đổi mới, đầu tư vào các chuỗi cung ứng tương lai và cần chuyển hướng tập trung từ "khách hàng" sang "người tiêu dùng". Thiết lập các đặc quyền truy cập thông tin cho người tiêu dùng. Có cái nhìn sâu sắc hơn về hành vi tiêu dùng tại mỗi thời điểm khác nhau để mang đến các thông điệp và ưu đãi có hiệu quả thông qua chiến lược tiếp thị dựa trên dữ liệu.