Không phải lạm phát, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, suy thoái kinh tế mới là vấn đề nghiêm trọng và có nguy cơ lớn hơn nhiều trong năm 2023.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia Kinh tế vĩ mô, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, lạm phát là yếu tố có ảnh hưởng rất quan trọng trong chính sách điều hành lãi suất, tiền tệ. Qua đó tác động mạnh mẽ đến các thị trường tài sản lớn ở Việt Nam như bất động sản và sức khỏe của các doanh nghiệp.
Ông Thế Anh cho rằng, trong năm 2023, nguy cơ lạm phát của Việt Nam nhiều khả năng sẽ gia tăng so với năm 2022. Bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng. Như vậy, trong năm 2022 mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên áp lực lạm phát năm 2023 là rất lớn.
Theo nghiên cứu từ nhiều tổ chức quốc tế, năm 2023, lạm phát của thế giới sẽ có sự dịch chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Hiện lạm phát tại các nước phát triển đã qua đỉnh và có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, lạm phát tại các nước đang phát triển mới đang gia tăng.
PGS. TS Phạm Thế Anh
Tuy nhiên, ông Thế Anh dự báo, lạm phát của Việt Nam trong năm nay không phải vấn đề đáng quan ngại của nền kinh tế. Vị chuyên gia này dự báo, trong đầu năm 2023, lạm phát của việt Nam khả năng đã đạt đỉnh trong tháng 1 vừa qua và đang giảm dần. Thay vào đó, nguy cơ suy thoái đối với nền kinh tế là rất lớn.
Nguyên nhân là do mức lãi suất cao như hiện nay đang ảnh hướng lớn tới các hoạt động kinh tế, thu nhập của người dân giảm sút, sức cầu tiêu dùng yếu. Lãi suất tăng cao trong điều kiện nền kinh tế vừa trải qua dịch bệnh khiến chi phí tiêu dùng, sinh hoạt đắt đỏ, người dân chi tiêu tiết kiệm hơn.
Bên cạnh đó, các thị trường tài sản lớn của Việt Nam như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không có thanh khoản, doanh nghiệp cạn dòng tiền.
Tăng trưởng cung tiền hiện đạt rất thấp, dưới 4%, trong khi các năm trước thường đạt 14- 15% đã làm giảm yếu tố gây lạm phát. Song, tăng trưởng kinh tế lại đang chậm lại. Lạm phát năm 2023 không phải vấn đề lớn, thay vào đó, nguy cơ suy thoái kinh tế trở nên đáng lo ngại hơn, ông Thế Anh nhìn nhận.
Trước thực trạng này, vị chuyên gia cho rằng, Chính phủ và ngân hàng nhà nước nên có chính sách điều chỉnh để sớm giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp phục hồi. Năm 2023 có nhiều yếu tố hỗ trợ giúp hạ lãi suất. Nếu chấp nhận sự mất giá của VND trong ngắn hạn, lãi suất có thể sẽ được giảm sớm, ngay từ cuối quý I này.
Lãi suất của Việt Nam được điều hành dựa trên 2 yếu tố là lạm phát và lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Trong khi đó, với yếu tố lạm phát như đã phân tích ở trên, đây không còn là vấn đề đáng lo ngại. Mặt khác, trên thế giới, lạm phát của nhiều quốc gia đã qua đỉnh, khả năng tăng tiếp lãi suất của Mỹ rất thấp. Trong kịch bản xấu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất lần nữa vào tháng 3 năm nay nhưng mức tăng chỉ khoảng 0,25%.
Do vậy các sức ép làm cho lãi suất của Việt Nam tăng tiếp là rất thấp. Lãi suất sẽ có xu hướng đi xuống vì đang ở mức đỉnh. Việc giảm nhanh hay chậm và giảm ở mức nào phụ thuộc vào quan điểm của nhà điều hành chính sách.
Bên cạnh đó, lãi suất thực của Việt Nam hiện nay vẫn cao hơn nhiều nước trên thế giới. Theo ông Thế Anh, đây là những điểm thuận lợi cho việc Việt Nam có thể hạ lãi suất trong thời gian tới để hỗ trợ kinh tế.
Nếu thận trọng, Ngân hàng Nhà nước có thể quan sát tình hình lạm phát Việt Nam ở thời điểm rõ ràng hơn, tháng 2-3 năm nay hoặc đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ FED vào tháng 5 năm nay để có sự điều chỉnh lãi suất phù hợp. Tuy nhiên, nếu lạc quan hơn có thể thực hiện việc đó sớm hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp và cả nền kinh tế phục hồi.