Đơn cử là khái niệm về “bất khả kháng” đối với hợp đồng xây dựng trọn gói, nhưng hiện chưa có luật hay các văn bản dưới luật nào quy định cụ thể, có hướng dẫn về nội dung “bất khả kháng”.
Đây là nội dung được TS. Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nêu ra khi nói về những vướng mắc, rủi ro pháp lý và giải pháp cho nhà thầu xây dựng Việt Nam.
Ông Cận cho biết, pháp lý về hợp đồng xây dựng được hình thành dựa trên các quy định về hợp đồng xây dựng có trong Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các quy định này đang có sự trùng lặp hầu hết các nội dung, một số quy định thiếu rõ ràng, thiếu định tính, định lượng trong quá trình thực thi.
Ví dụ như khái niệm về “bất khả kháng” đối với hợp đồng trọn gói. Mặc dù nội dung “bất khả kháng” được nêu trong nhiều văn bản pháp luật nhưng hiện chưa có luật hay các văn bản dưới luật nào quy định cụ thể, có hướng dẫn về nội dung này nên trong thực tế vấn đề này không đi vào cuộc sống.
Pháp lý về hợp đồng xây dựng được hình thành dựa trên các quy định về hợp đồng xây dựng có trong Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các quy định này đang có sự trùng lặp hầu hết các nội dung, một số quy định thiếu rõ ràng, thiếu định tính, định lượng trong quá trình thực thi.
Chưa kể, tình trạng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép tăng đột biến 40 - 50%, hay tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng… nhưng các vấn đề này không được xem là bất thường hay bất khả kháng để áp dụng trong thực tiễn.
Quảng cáo
Do đó, ông Cận cho rằng phải hướng dẫn cụ thể, làm rõ khái niệm bất khả kháng cho từng trường hợp quy định trong các luật, các trường hợp có thể áp dụng được quy định này hoặc dùng khái niệm có thể định tính, định lượng được.
Bên cạnh đó, một nhà thầu khác thì cho rằng vấn đề giá trị hợp đồng xây dựng sau điều chỉnh vượt giá gói thầu cũng đang có nhiều vấn đề về pháp lý. Cụ thể, đối với một số dự án khi giá trị hợp đồng sau điều chỉnh vượt giá gói thầu, chủ đầu tư có cơ sở để kéo thời hạn thanh toán căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 của Nghị định 50/2021/NĐ-CP:
“Giá trị hợp đồng sau điều chỉnh vượt giá gói thầu hoặc dự toán gói thầu được phê duyệt thì phải được chấp thuận chủ trương điều chỉnh giá hợp đồng của Người có thẩm quyền quyết định đầu tư”.
Nhà thầu này cho rằng, việc giá trị hợp đồng sau điều chỉnh vượt giá gói thầu nhiều khi là do biến động của thị trường diễn ra bất thường hoặc do tính toán của chủ đầu tư không lường trước được các nội dung phát sinh điều chỉnh. Việc này hoàn toàn không do lỗi của nhà thầu, tuy nhiên theo quy định của Nghị định 50/2021/NĐ-CP thì nhà thầu sẽ chịu rủi ro bị đọng vốn sản xuất, phải chờ đến khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được thanh toán.
Hay như hiện nay, số lượng hợp đồng xây dựng sử dụng nguồn vốn ngoài đầu tư công chiếm tỷ lệ rất lớn, trong khi đó chưa có mẫu hợp đồng xây dựng theo chuẩn hóa Việt Nam để áp dụng chung (tương tự như mẫu hợp đồng FIDIC). Chưa kể, các văn bản quy phạm pháp luật hiện tại quy định cách thức giải quyết đối với phần lớn các tranh chấp có thể xảy ra, nhưng chỉ áp dụng đối với dự án vốn đầu tư công.
Do đó, các nhà thầu xây dựng đề xuất bổ sung đối tượng điều chỉnh là các dự án vốn ngoài ngân sách nhà nước vào pháp luật xây dựng để giải quyết, ngăn ngừa được nhiều tranh chấp xảy ra trong hoạt động xây dựng như: Thưởng, phạt vi phạm hợp đồng; thời hạn ký hồ sơ quyết toán, thanh lý; lãi chậm trả trong trường hợp chủ đầu tư chậm thanh toán; điều chỉnh giá hợp đồng, đơn giá hợp đồng…
Đồng thời, bổ sung trách nhiệm bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư; bổ sung điều kiện nghiệm thu, bàn giao công trình…