Dữ liệu chính thức cho thấy, đồng nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất cho các giao dịch xuyên biên giới ở Trung Quốc vào tháng 3, phản ánh nỗ lực nhằm quốc tế hóa việc sử dụng đồng nhân dân tệ…
Trung Quốc đã vượt qua một cột mốc quan trọng trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la, với việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch xuyên biên giới của nước này lần đầu tiên tăng vọt so với đồng bạc xanh vào tháng 3.
Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc, các khoản thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ của quốc gia này đã tăng lên mức kỷ lục 549,9 tỷ USD trong tháng 3 so với 434,5 tỷ USD của tháng trước đó.
Theo đó, tỷ lệ đồng nội tệ trong các khoản thanh toán và biên lai xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục 48% vào cuối tháng từ mức gần bằng 0 trong năm 2010. Trong khi đó, tỷ lệ này của đồng đô la giảm xuống 47%, sụt mạnh so với mức 83% cùng kỳ.
Stephen Chiu, trưởng chiến lược gia ngoại hối và tỷ giá châu Á tại Bloomberg Intelligence cho biết: “Việc sử dụng đồng nhân dân tệ tăng lên có thể là hệ quả tự nhiên của việc Trung Quốc mở rộng tài khoản vốn, với dòng vốn vào trái phiếu Trung Quốc tăng lên và dòng vốn chảy ra từ chứng khoán Hồng Kông”.
Người phát ngôn của Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo 21/4 rằng tỷ trọng ngày càng tăng giúp các công ty địa phương giảm thiểu rủi ro do không khớp tiền tệ trong các giao dịch. Đồng thời, Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho biết trong hướng dẫn nhằm thúc đẩy ngoại thương rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng việc thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch xuyên biên giới.
Trung Quốc từ lâu đã thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán các giao dịch xuyên biên giới như một phần trong nỗ lực quốc tế hóa việc sử dụng đồng tiền của mình.
Tuy vậy, việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong tài trợ thương mại toàn cầu vẫn còn thấp, mặc dù nó đã cho thấy sự gia tăng ổn định. Dữ liệu từ SWIFT cho thấy tỷ lệ giao dịch tiền tệ toàn cầu của đồng nhân dân tệ đối với tài trợ thương mại là 4,5% trong tháng 3, còn đối với đồng đô la là 83,71%.
Chris Leung, nhà kinh tế tại Ngân hàng DBS, cho biết: “Quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ đang tăng tốc khi các quốc gia khác tìm kiếm một loại tiền tệ thanh toán thay thế để đa dạng hóa rủi ro và khi uy tín của Cục Dự trữ Liên bang không còn tốt như trước. Nhưng đồng thời, chúng ta vẫn đang nói về một chặng đường dài từ sự thống trị của đồng đô la, và tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong thanh toán toàn cầu có thể mãi mãi nhỏ".