Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành hơn 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó xử phạt 2 trường hợp thao túng với tổng số tiền phạt 2,05 tỷ đồng...
Ngày 12/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Hội nghị có sự tham dự của Ban lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và đại diện lãnh đạo các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam…
Thị trường nửa đầu năm với nhiều khởi sắc
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nhìn chung thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm được cải thiện so với cuối năm 2022 với nhiều khởi sắc, đặc biệt trong quý 2, dù chịu tác động của tình hình kinh tế, tài chính trong nước và thế giới.
Tính đến ngày 30/6/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.120,18 điểm, tăng +11,2% so với cuối năm 2022. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 227,32 điểm, tăng +10,7% so với cuối năm 2022.
Cùng với diễn biến của chỉ số, sau khi giảm mạnh trong quý 1/2023, thanh khoản trên thị trường đã có diễn biến tích cực trong quý 2/2023 khi liên tục được cải thiện, đặc biệt trong tháng 4 và tháng 6 thanh khoản đã tăng lần lượt 25,8% và 27,2% so với tháng trước và đạt 19.829 tỷ đồng/phiên trong tháng 6, tăng 64,8% so với bình quân của tháng 1.
Giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay mặc dù vẫn giảm khoảng 31,9% so với bình quân năm trước, nhưng giá trị giao dịch bình quân quý 2 tăng khoảng 37% so với quý 1.
Chỉ số VN-Index trong thời gian qua
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu và quy mô niêm yết vẫn tiếp tục tăng so với cuối năm 2022. Tính đến ngày 30/6, mức vốn hóa thị trường đạt 5.783 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022, tương đương 60,8% GDP. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tính đến cuối tháng 6/2023 đạt 1.997 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% với cuối năm 2022 với 743 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán và 866 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tham gia thị trường tiếp tục tăng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng số tài khoản mở mới tăng 413.976 tài khoản chứng khoán, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên hơn 7,31 triệu tài khoản, tăng 6% so với cuối năm 2022.
Nhiều nhiệm vụ được hoàn thành
Theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mặc dù trải qua nhiều biến động mạnh, nhưng xét về tổng thể, thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn giữ hoạt động ổn định. Đặc biệt, trong tháng 6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thực hiện một số nhiệm vụ được giao.
Về hoàn thiện khung pháp lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 30 và hoàn thiện 2 thông tư mới. Đồng thời, tiến hành rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán 2019, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn để có đánh giá, tổng kết thi hành và kiến nghị các cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh hoạt động mới của thị trường.
Về công tác giám sát, thanh kiểm tra trên thị trường, trong 6 tháng năm 2023, trên cơ sở kết quả giám sát thường xuyên, kết quả thanh kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành hơn 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó xử phạt 2 trường hợp thao túng với tổng số tiền phạt 2,05 tỷ đồng; một số vụ việc xử phạt đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp chặt với với các cơ quan chức năng trong xử lý các vụ việc có dấu hiệu hình sự.
Về hoạt động tổ chức thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kết quả, về năng lực tài chính của các công ty chứng khoán.
Tính đến hết quý 1/2023, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán là 230.134 tỷ đồng, tăng 27,4%; tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%; đối với các công ty quản lý quỹ, tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) tại các công ty quản lý quỹ thống kê tại thời điểm hết tháng 5/2023 ước tính khoảng 600 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với thời điểm cuối năm 2022, hoạt động kinh doanh của các công ty quản lý quỹ là ổn định và có lãi.
Về việc nâng hạng thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang triển khai đồng thời các giải pháp tháo gỡ, tổ chức làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Kế hoạch đầu tư để tháo gỡ hai vấn đề trọng yếu trước mắt ảnh hưởng đến việc nâng hạng.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương khẳng định, công tác thanh tra, giám sát được tăng cường, quyết liệt, một số vụ việc đã được phát hiện, xử lý nghiêm. Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chủ động chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý một số vụ việc thao túng thị trường chứng khoán, từ đó đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động an toàn, minh bạch hơn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nền kinh tế trong nước những tháng cuối năm có nhiều triển vọng tăng trưởng tích cực khi những nút thắt của kinh tế đang tiếp tục được tháo gỡ, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Tuy nhiên, Việt Nam với độ mở kinh tế lớn nên vẫn tiềm ẩn những rủi ro do suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt ở các nước phát triển, giá cả hàng hóa leo thang và biến động địa chính trị.
Chủ tịch Phương nhấn mạnh: “Trong bối cảnh trên, nhìn nhận những kết quả đã đạt được cùng những vấn đề còn tồn tại trong 6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục đề ra các giải pháp khắc phục và tập trung triển khai vào một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2023”.