Nước cờ AI trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử

Theo Hội đồng Phòng chống Tội phạm Quốc gia Mỹ, hàng năm có tới hơn 2 nghìn tỷ USD hàng giả được bán đến tay người tiêu dùng trên toàn thế giới. Để đối phó với thực trạng này, các cơ quan, doanh nghiệp đều đang xây dựng và phát triển công cụ AI như một “vũ khí" để chống lại các rủi ro này…
screenshot-2024-04-24-at-142009-1586.png
Các loại hàng giả, hàng nhái được Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ thu giữ

Gần đây, các sản phẩm hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng tràn lan trên thị trường khi những đối tượng sản xuất và buôn bán chúng di chuyển sang các nền tảng trực tuyến để tận dụng sự ẩn danh của Internet.

Đây là một trong những vấn đề nhức nhối gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với các chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn cầu.

NGUY HẠI

Theo Hội đồng Phòng chống Tội phạm Quốc gia Mỹ, hàng giả, hàng nhái là một lĩnh vực đang bùng nổ, được coi là ngành buôn bán bất hợp pháp lớn nhất thế giới, với lượng sản phẩm giả trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD đã được bán tới tay người tiêu dùng mỗi năm.

Bên cạnh thời trang, thiết bị điện tử là những mặt hàng bị làm giả, làm nhái nhiều nhất hiện nay. Hậu quả từ các loại hàng giả này là vô cùng trầm trọng, đã được đánh giá là nguyên nhân gây ra hơn 70 trường hợp tử vong và 350.000 trường hợp bị thương nặng ở Mỹ hàng năm.

e-bike-explosion-roehampton-2-copy-fb9fcde-811.jpg

Cụ thể, trong vụ hỏa hoạn khiến hai người thiệt mạng ở Queens (New York, Mỹ) vào tháng 4/2023, Sở cứu hỏa New York đã phát hiện một chiếc xe máy điện và bộ sạc cháy đen trong nhà với nhãn chứng nhận an toàn giả mạo.

“Đã có hàng trăm báo cáo về hoả hoạn do các thiết bị điện tử giả như thế này”, đại diện từ Sở Cứu hoả New York tiết lộ.

Không chỉ ở mảng điện tử, một lĩnh vực cũng chịu rủi ro lớn nhất từ hàng giả, hàng nhái là dược phẩm và thực phẩm. Troy Miller, một quan chức cấp cao của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CPB) cho biết, có rất nhiều sản phẩm dược phẩm giả có chứa chất độc hại gây chết người như fentanyl.

Mỗi năm, tổng số lượng hàng giả, hàng nhái được bán trên toàn thế giới có giá trị lên 1,7 nghìn tỷ USD - 4,5 nghìn tỷ USD, trích dẫn số liệu từ Hội đồng Phòng chống Tội phạm Quốc gia Mỹ.

Đơn cử vào tháng 11/2023, các nhân viên Tuần tra Biên giới Khu vực San Diego đã thu giữ một lượng thuốc viên trị giá gần 3,7 triệu USD có chứa fentanyl khi dừng một chiếc xe tải di chuyển trên Xa lộ Liên tiểu bang 15. Trước đó vào năm 2022, Cơ quan phòng, chống ma túy Mỹ đã thực hiện một vụ thu giữ lên tới 60 triệu viên thuốc giả có tẩm fentanyl.

Việc phát hiện và bắt giữ hàng giả, hàng nhái nhập lậu ngày nay càng trở nên khó khăn hơn đối với các nhân viên hải quan, đặc biệt là khi thị trường mua sắm trực tuyến xuyên biên giới ngày càng bùng nổ, với hàng triệu đơn mua hàng trực tuyến riêng lẻ được đưa vào nước Mỹ mỗi ngày, bà Kim Gianopoulos, giám đốc nhóm thương mại và quan hệ quốc tế tại Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ nêu bật.

004-6523.jpg
Các nền tảng thương mại điện tử là không gian buôn bán thuận lợi cho các tội phạm hàng giả, hàng nhái, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ cảnh báo.

Trong đó, nhiều phương pháp và thiết bị kiểm tra truyền thống khó có thể áp dụng được một cách hiệu quả khi có quá nhiều mánh lới mới xuất hiện trên thị trường, cũng như cấp độ sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi và cầu kỳ.

AI VÀ CÔNG NGHỆ “VÀO CUỘC”

Để giải quyết những thách thức này, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ đang áp dụng các công nghệ mới, bao gồm máy chụp X-quang sử dụng trí tuệ nhân tạo và máy học (machine learning) để nhắm vào các gói hàng nhỏ hơn. Công nghệ mới sẽ cho phép cơ quan này thu thập và phân tích các hình ảnh sản phẩm gốc, sau đó sử dụng dữ liệu đó để xử lý và nhắm mục tiêu vào hàng giả với tốc độ và khối lượng lớn hơn nhiều so với những gì mà một cá nhân hoặc đơn vị nhỏ có thể làm.

“Bên cạnh các nỗ lực từ cơ quan quản lý, tôi mong rằng người tiêu dùng cũng sẽ cẩn trọng hơn đối với những gì họ đặt mua trên mạng. Các nhà bán lẻ cũng bắt buộc phải chặt chẽ hơn trong quá trình xác nhận và kiểm soát hàng hoá lưu thông trên các cửa hàng, nền tảng của họ”, ông Troy Miller của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ lưu ý.

Trên thực tế, việc chống hàng giả, hàng nhái thông qua công nghệ AI đang có tiềm năng rất lớn.

Rất nhiều nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới cũng đã áp dụng trí tuệ nhân tạo và máy học để tìm ra những “seller” (người bán hàng) đang cố gắng rao bán hàng giả trên nền tảng của mình. 3 năm trước, Amazon đã thành lập một đơn vị chống tội phạm hàng giả nội bộ bao gồm các cựu công tố viên liên bang và các nhà khoa học dữ liệu ở khắp thế giới để truy lùng người bán hàng giả.

Mỗi ngày, đội ngũ của Amazon sử dụng AI để quét hơn 8 tỷ danh sách người bán/cửa hàng trên nền tảng. Hệ thống máy học tân tiến cùng hoạt động thu thập dữ liệu cho phép họ sàng lọc logo và nhãn hiệu trên các mặt hàng để so sánh với hình ảnh chính hãng cung cấp. Động thái này đã giúp Amazon có thể nhanh chóng gắn cờ các sản phẩm bị ngờ là hàng giả để thực hiện kiểm tra chuyên sâu.

Hay như trong ngành thời trang, lĩnh vực vốn chịu ảnh hưởng vô cùng lớn bởi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang được áp dụng và khuyến khích xây dựng, phát triển rộng rãi hơn.

Một trong những doanh nghiệp nổi tiếng và đi đầu trong khía cạnh này là Entrupy, hiện đang được phổ biến trên toàn thế giới như là công cụ phát hiện hàng hiệu giả hiệu quả nhất hiện nay.

rzgmhammczfvxonkkos6s6p4um-4202.jpg
Thiết bị Entrupy giúp kiểm định các sản phẩm hàng hiệu

Nhà sáng lập công ty, ông Vidyuth Srinivasan, hơn một thập kỷ trước đã bắt đầu thành lập công ty với mục tiêu giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp xác định hàng giả chỉ với một thiết bị cầm tay. Đội ngũ công ty đã xây dựng một cơ sở dữ liệu khổng lồ từ cả hàng thật và hàng giả, sử dụng công nghệ máy học để nhận dạng hàng giả qua hình ảnh.

Hiện tại, Entrupy vẫn đang giữ vững chuyên môn của mình trong mảng thời trang và phụ kiện xa xỉ, đồng thời cũng đang hợp tác thêm với TikTok Shop và Goodwill Industries cho các hoạt động kiểm tra và xác nhận hàng hoá.

“Chúng tôi đã đào tạo hệ thống thiết bị của mình để phát hiện kể cả những chi tiết nhỏ bé nhất. Mỗi lần kiểm tra, máy sẽ xác định khoảng từ 2.000 đến 4.000 đặc điểm trên mỗi hình ảnh. Có rất nhiều chi tiết mà mắt thường chúng ta không thể phát hiện hết được”, nhà sáng lập Vidyuth Srinivasan cho biết.

Bản thân các thương hiệu lớn cũng đang chủ động xây dựng cho mình các công cụ riêng để đối phó với tình trạng bị làm giả, làm nhái. Ví dụ như Burberry, Jimmy Cho hay Patou của LVMH đã sử dụng mác thông minh, trang bị một mã QR độc nhất cho phép tracking (theo dõi) sản phẩm. Khi được quét, nguồn gốc mặt hàng sẽ hiển thị và xác nhận xem đây là có phải là hàng thật chính hãng hay không. Một số khác lại hợp tác với các công ty sản xuất phần mềm nhận dạng hình ảnh để ra mắt ứng dụng riêng có tính năng phân tích chi tiết và xác nhận sản phẩm.