Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đã trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam được công nhận có đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LNG.
Bộ Công Thương vừa qua đã ban hành Quyết định số 01/GCNĐĐK-BCT chứng nhận Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS, mã chứng khoán: GAS – sàn: HoSE) đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG). Như vậy, PV GAS đã trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam được công nhận có đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LNG.
LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Với lợi thế chuyên biệt, LNG có tiềm năng thay thế dần các năng lượng truyền thống của các hộ sản xuất công nghiệp gồm than, fuel oil, diesel…, cũng như bổ sung cho các nguồn khí nội địa đang khai thác, hầu hết đã bước vào giai đoạn suy giảm.
Dự án Kho cảng LNG Thị Vải của PV GAS đã sẵn sàng đưa vào sử dụng trong năm nay với công suất qua kho giai đoạn 1 là 1 triệu tấn LNG/năm.
PV GAS đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho công tác xuất nhập khẩu và kinh doanh LNG, với Dự án Kho cảng LNG Thị Vải đã sẵn sàng đưa vào sử dụng trong năm nay. Trong giai đoạn 1, Kho có sức chứa 180.000m3 LNG, với công suất qua kho là 1 triệu tấn LNG/năm và giai đoạn 2 dự kiến nâng lên công suất 3 triệu tấn LNG/năm.
Ngoài ra, dự án còn bao gồm Cảng nhập LNG có khả năng tiếp nhận tàu LNG trọng tải đến 100.000 DWT và Trạm xuất LNG bằng xe bồn cũng sẽ sớm hoàn thành cùng thời điểm chạy thử Kho chứa LNG Thị Vải.
Các dự án thành phần khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, đều đã đến mốc hoàn thành như Dự án đường ống dẫn khí LNG Thị Vải-Phú Mỹ, Dự án Trạm giảm áp Thị Vải...
PV GAS là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp khí, với các hoạt động chính: tồn trữ, vận chuyển, nhập khẩu và phân phối các sản phẩm khí đốt, bao gồm khí khô (Natural Gas - NG), khí dầu mỏ hóa lỏng (Liquefield Petroleum Gas - LPG), khí nén (compressed Natural Gas - CNG) và khí tự nhiên hóa lỏng (Liquefied Natural Gas - LNG).
Mảng LNG được nhận định sẽ trở thành động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn của PV GAS. Hiện nay, sản lượng khí tại các mỏ khu vực Đông Nam Bộ đang suy giảm và bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu hụt. Trong khi đó, mảng điện khí được dự kiến sẽ nâng dần tỷ trọng đóng góp trong hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh đó, các dự án lớn đang triển khai như Lô B – Ô Môn và Cá Voi Xanh cũng chỉ đủ cung cấp cho một số nhà máy điện đã quy hoạch khi đi vào vận hành thương mại.
Do đó, LNG nhập khẩu sẽ là nguồn bổ sung khí quan trọng cho sản xuất điện tại Việt Nam trong những năm tới đây. Nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ thúc đẩy việc xây dựng hệ thống các kho chứa.
Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 thì đến năm 2035, Việt Nam sẽ có 7 kho chứa được quy hoạch với tổng công suất lên tới 26 triệu tấn/năm. Trong giai đoạn đến năm 2025, dự kiến có 4 dự án được triển khai, bao gồm Dự án LNG Thị Vải và Dự án LNG Sơn Mỹ giai đoạn 1.
PV Gas hiện đang đẩy nhanh đầu tư cho Dự án LNG Sơn Mỹ. Dự án LNG Sơn Mỹ với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, công suất lên tới 3 triệu tấn/năm dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 (1 triệu tấn/năm) vào 2024.