Bài toán hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang là thách thức lớn của ngành ngân hàng. Theo các chuyên gia, khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp và vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là chính sách và thực thi...
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7/2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,3%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế - giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành ngân hàng.
NHIỀU ĐIỂM NGHẼN TRONG HẤP THỤ VỐN
Chia sẻ tại một hội thảo diễn ra gần đây, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, có quá nhiều "điểm nghẽn" trong khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế hiện nay.
Cụ thể, gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa đạt được hiệu quả; các kênh huy động vốn khác như thị trường chứng khoán thì suy giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngưng trệ. Thêm vào đó, các doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Năng lực hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế giảm còn xuất phát từ sự "lệch pha" của cả phía ngân hàng lẫn các doanh nghiệp. Cụ thể, nhiều ngân hàng cẩn trọng hơn trong tăng trưởng tín dụng khi những lo ngại về nợ xấu, thậm chí mất vốn đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh kinh tế bất thuận. Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng cho hay không đủ điều kiện vay vì nợ xấu, do bối cảnh kinh tế khó khăn lẫn phức tạp nên doanh nghiệp không dám mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Bà Nguyễn Minh Thảo cũng thẳng thắn bày tỏ, việc chậm hoàn thuế VAT; môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro; nhiều chính sách xây dựng không những không cải thiện mà còn tạo thêm rào cản và gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, bản thân nhiều doanh nghiệp cũng cho hay, do bối cảnh kinh tế khó khăn lẫn phức tạp nên doanh nghiệp không dám mở rộng sản xuất, kinh doanh và không đủ điều kiện vay vì nợ xấu.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban pháp chế Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), vấn đề lớn nhất doanh nghiệp gặp phải hiện nay là ở sự đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách.
Chẳng hạn, trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quyết liệt kéo mặt bằng lãi suất xuống, thì ở đâu đó, ở nhiều ngành khác có những chính sách làm chi phí kinh doanh tăng lên. Ông Tuấn cũng cho rằng, tốc độ của quyết định hành chính quá chậm so với quyết định kinh doanh. Rất nhiều dự án đầu tư kéo dài hàng năm trời, nhiều nhà máy chưa thể đưa vào hoạt động theo đúng kế hoạch vì trục trặc ở khâu này, khó ở khâu khác.
"Nhiều doanh nghiệp kêu khó khăn nhất là phải chờ đợi các quyết định hành chính mà không biết chờ đến lúc nào. Cần sự đồng bộ chính sách của nhiều ngành để đẩy nhanh tốc độ của quyết định hành chính", ông Tuấn nêu kiến nghị.
Bên cạnh đó, ông Tuấn khẳng định chính sách hỗ trợ lãi suất đã tốt nhưng nếu thực thi không nhanh, không mạnh, không tốt thì chắc chắn hiệu ứng của chính sách sẽ bị giảm đi nhiều.
Nêu giải pháp khơi thông tài chính cho doanh nghiệp, theo TS.Nguyễn Minh Thảo đưa ra quan điểm, về phía cung, cần tiếp tục hạ lãi suất để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn vay; tiếp tục áp dụng các hỗ trợ về cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng; phục hồi các kênh huy động vốn khác: chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Bà Thảo cũng đề nghị, cần hạ thấp các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về giảm, hoãn, giãn thuế; coi trọng cải cách thể chế môi trường kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp,...
Về phía cầu, theo bà Thảo, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ người lao động: hỗ trợ tiền thuê nhà, cho vay ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; triển khai hiệu quả gói hỗ trợ giảm thuế VAT 2%.
BẤT ĐỘNG SẢN VÀ NGÂN HÀNG NGỒI CHUNG MỘT CHIẾC THUYỀN
Về phía Ngân hàng Nhà nước, theo đánh giá của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, các doanh nghiệp bất động sản đang đối diện với thách thức lớn từ vấn đề pháp lý, dẫn đến tình trạng trì trệ của thị trường.
"Bất động sản và ngân hàng ngồi chung trên một chiếc thuyền. Bởi vốn của bất động sản hầu hết của ngân hàng, không có nghĩa bất động sản khó khăn là do ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, ngân hàng cũng đã tìm mọi cách, bởi lĩnh vực này là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế. Chúng ta phải nhận diện đúng điểm nghẽn để có để tháo gỡ khó khăn hiện nay nhưng cũng cần bình tĩnh để chia sẻ với Chính phủ, các bộ ngành lúc này, vì chính sách đã rất quyết liệt, hàng ngày hàng giờ, mục tiêu cuối cùng là để nền kinh tế không trầm lắng, giải quyết được an sinh xã hội”, ông Tú bộc bạch.
Đứng ở góc độ điều hành vĩ mô, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phân trần, có những thứ thuộc về khó khăn thường xuyên. Đó là ngân hàng phải điều tiết tiền tệ, đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát đồng thời cũng đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiều lúc hai mục tiêu này có ngược chiều nhau nhưng những năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hai mục tiêu này vẫn được đảm bảo.
Đối với vấn đề lãi suất, Phó Thống đốc yêu cầu, giảm lãi suất nhưng vừa phải đảm bảo khối lượng tín dụng, chất lượng tín dụng vừa phải đảm bảo về tỷ giá, ổn định niềm tin của nhà đầu tư.
Ông Tú cũng cho biết, thị trường tiền tệ bấy lâu này luôn 'gánh' cung ứng vốn cho nền kinh tế, cả vốn ngắn hạn, trung dài hạn. Thị trường trái phiếu, chứng khoán được kỳ vọng giải bài toán trung dài hạn cho nền kinh tế nhưng thời gian qua các thị trường này khó khăn, tín dụng lại phải gánh thêm bài toán vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Thế nhưng, thời gian tới mục tiêu gia tăng tín dụng vẫn phải đặt ra.
Do đó, Phó Thống đốc kêu gọi các ngân hàng thương mại phải thể hiện nhiều hơn trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải đảm bảo an toàn, không để rơi vào tình trạng yếu kém về tài chính, tiếp theo là giảm các loại phí. Đồng thời cắt giảm thủ tục tiếp cận tín dụng, kích thích các doanh nghiệp vay vốn, lúc này phải chia sẻ với doanh nghiệp. Tuy nhiên bản chất của ngân hàng thương mại cũng là một doanh nghiệp, huy động tiền của người dân để cho vay vì vậy phải đảm bảo thanh khoản.
Về chính sách cơ cấu, giãn hoãn lại nợ, Thông tư 02 đã được ban hành, tùy điều kiện thực tế sẽ có điều chỉnh phù hợp. Các ngân hàng phải tích cực đối thoại với doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các bộ ngành tăng cường trao đổi để có thể hỗ trợ doanh nghiệp.
Về điều hành chính sách tiền tệ, trong thời gian gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý, hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam.