VND mất giá có tác động không lớn đến xuất khẩu nhưng lại có rủi ro làm tăng lạm phát.
Xuất khẩu chưa chắc được hưởng lợi
Về lý thuyết, tỷ giá tăng, VND mất giá sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu bởi giá bán bằng USD sẽ giảm.
Đơn cử, 1 kg tôm tại Việt Nam có giá 500.000 VND/kg, quy ra USD theo tỷ giá 24.500 VND/USD thì tương đương 20,4 USD/kg. Khi VND mất giá 4%, tức tăng lên 25.500 VND/USD, 1 kg tôm đó sẽ có giá là 18,5 USD/kg.
Mức giá thấp hơn có thể làm tăng sức cạnh tranh và nhu cầu đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học kinh tế luật TP.HCM trong phân tích gần đây chỉ ra rằng, tỷ giá dù có ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản nhưng chỉ ở thứ ba xét về mức độ tác động.
Hai yếu tố dẫn đầu là sản lượng, tức năng lực đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản và nhu cầu tiêu thụ tại thị trường đến.
Một minh chứng là xuất khẩu tôm sang Mỹ năm ngoái đã giảm 12% dù VND trong năm 2022 và 2023 đều mất giá nhanh hơn hẳn các năm trước đó.
Giải pháp phá giá VND với mục đích hỗ trợ xuất khẩu được đánh giá sẽ ít mang lại tác dụng khi sản lượng sản xuất trong nước không theo kịp hoặc nhu cầu tại thị trường xuất khẩu đi xuống.
Ngoài ra, còn có những rào cản như các vụ kiện bán phá giá ở Mỹ hay như thẻ vàng EU.
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra yếu tố quan trọng nhất để tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt Nam là chi phí sản xuất.
Tại hội thảo gần đây, nhiều đơn vị xuất khẩu cũng không mấy vui mừng khi tỷ giá tăng.
Ông Trần Hữu Hậu, Phó tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, giá nhập khẩu điều thô tăng khiến giá điều thành phẩm của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh.
Doanh nghiệp xuất khẩu dù có thể bù đắp chênh lệch tỷ giá bằng ngoại tệ, nhưng tỷ giá lại tăng nhanh nên phần lợi thu về nhờ tỷ giá ngày càng giảm.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10, cho biết thêm, tỷ giá tăng giúp gia tăng giá trị các đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này cũng khiến doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán chi phí nhập khẩu nguyên liệu, máy móc đội lên.
Nguy cơ lớn với lạm phát
Với sự khác biệt lớn về chi phí sản xuất, việc giảm giá đồng VND 3% hay thậm chí 6% sẽ không có nhiều ý nghĩa.
Nhận định này được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cùng Think Future Consultancy đưa ra trong báo cáo phân tích mới nhất về kinh tế Việt Nam.
Việc cố gắng giảm giá đồng nội tệ để tạo lợi thế xuất khẩu có thể gây ra những hệ lụy khó lường cho tăng trưởng và ổn định kinh tế.
Đơn cử, tại Brazil, đồng nội tệ của nước này đã giảm giá hơn 100% trong 10 năm qua, tạo lợi thế cạnh tranh cho ngô và dầu đậu nành. Đổi lại, Brazil đã liên tiếp rơi vào khủng hoảng với lạm phát cao và nhiều năm kinh tế suy thoái.
“Việt Nam chúng ta chắc chắn không thể chấp nhận một tình huống như vậy”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Ảnh hưởng của tỷ giá tới lạm phát chủ yếu mang tính gián tiếp do hầu hết các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất của Việt Nam đều phải nhập khẩu. Do phải mua bằng USD bên khi giá USD tăng, giá về tới Việt Nam quy đổi sang VND cũng sẽ tăng.
Giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng sẽ làm tăng giá thành sản xuất. Về lý thuyết, nhà sản xuất sẽ tìm cách để đẩy phần chi phí tăng thêm này vào giá bán cho người tiêu dùng và do đó, làm tăng lạm phát.
Các tính toán cho thấy ở mức tương đối thận trọng, cứ đồng VND mất giá 1% thì lạm phát tăng 0,34%. Điều này có nghĩa rằng với mức mất giá 4,5% từ đầu năm tới nay, lạm phát dự báo sẽ tăng thêm khoảng 1,5%, chưa kể tới việc tăng giá tự nhiên của giá xăng.
VEPR và Think Future Consultancy nhấn mạnh: “Việc mất giá đồng VND có tác động không lớn tới xuất khẩu, trong khi lại có rủi ro tăng lạm phát”.
Vì vậy, kiểm soát mức độ mất giá của VND vẫn cần phải là một ưu tiên để ổn định vĩ mô trong năm nay.
Lạm phát giảm sau Tết
Phương Anh