Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2023 trên cả nước sản lượng thủy sản ước đạt khoảng 2.637 nghìn tấn…
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Cụ thể, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 2.637 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cá đạt 1.942,6 nghìn tấn, tăng 1,2%; tôm đạt 285,5 nghìn tấn, tăng 1,9%, còn các loại thủy sản khác đạt 408,9 nghìn tấn, tăng 0,6%.
Đặc biệt, sản lượng thủy sản của tháng 4/2023 ước đạt 747,8 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể, cá đạt 538 nghìn tấn, tôm đạt 101 nghìn tấn và các loại thủy sản khác đạt 108,8 nghìn tấn.
Đối với sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng này ước đạt 396,8 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá có sản lượng lớn nhất đạt 263,9 nghìn tấn, tăng 2,3%, trong khi đó tôm đạt 89,2 nghìn tấn, tăng 2,5%.
Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khá do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả.
Lý giải sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do giá bán cá tra duy trì ổn định ở mức khá . Còn sản lượng tôm trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi, độ mặn thích hợp để thả nuôi.
Quảng cáo
Về sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 351 nghìn tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước do chi phí nhiên liệu tăng và đẩy mạnh thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu khai thác thủy sản biển cùng với việc chính quyền các cấp vận động người dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, hạn chế một số công cụ đánh bắt cũng như có chính sách khuyến khích thả nuôi, nhân giống thủy sản nhằm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Được biết, sản lượng thủy sản khai thác bao gồm cá đạt 274,1 nghìn tấn, giảm 0,8%; tôm đạt 11,8 nghìn tấn, giảm 7,1%; thủy sản khác đạt 65,1 nghìn tấn, giảm 2,4%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 336,4 nghìn tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết: “Lĩnh vực giống thủy sản hiện nay đã có những thay đổi căn bản, tích cực cả về chất và lượng, đó là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng của cả hệ thống thông qua triển khai đồng loạt các giải pháp trước mắt và lâu dài”.
Về cơ bản, sản xuất giống thủy sản đã đáp ứng đủ nhu cầu nuôi trong nước nhưng vẫn còn vài điểm nghẽn nhất định về chất lượng giống, cơ sở hạ tầng. Do đó, để sản xuất giống tăng tốc cả về chất và lượng có 3 nhóm giải pháp cần đặc biệt lưu ý.
Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản
Một là, phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng giống nhằm cung cấp đủ nguồn giống chất lượng cao phục vụ nuôi thương phẩm trong vùng và hướng tới cung cấp con giống cho các vùng nuôi khác trên phạm vi cả nước.
Hai là, tập trung khoa học công nghệ để cải thiện, nâng cao chất lượng giống một số đối tượng đã sản xuất được như cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, một số giống cá biển và rong biển. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, làm chủ quy trình sản xuất giống với các đối tượng tiềm năng như tôm hùm, cá nước lạnh, một số loài cá biển; tiếp tục chọn giống để dần chủ động được nguồn tôm bố mẹ trong nước phục vụ nhu cầu nuôi.
Ba là, quản lý chặt chất lượng tôm giống lưu thông trên thị trường, tập trung kiểm tra, kiểm soát để 100% cơ sở sản xuất giống thủy sản được kiểm tra và cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giống khi tham gia sản xuất giống; các lô giống xuất ngoại tỉnh phải được kiểm dịch; thủy sản bố mẹ được kiểm soát theo Thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT.