Mặc dù trong quý III, doanh thu thuần của Phát Đạt sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn vẻn vẹn 11 tỷ đồng, tức "bốc hơi" đến 99% so với cùng kỳ năm ngoái (1.267 tỷ đồng). Tuy nhiên, PDR vẫn công bố lợi nhuận sau thuế hơn 711 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so vớ...
CTCP Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) đã công bố tình hình kinh doanh hợp nhất quý III và lũy kế 9 tháng năm 2022.
Trong quý III, Phát Đạt chứng kiến doanh thu thuần sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn vẻn vẹn 11 tỷ đồng, tức "bốc hơi" đến 99% so với cùng kỳ năm ngoái (1.267 tỷ đồng).
Nguyên nhân là doanh thu chuyển nhượng đất của PDR đã giảm mạnh từ 1.266 tỷ đồng, xuống 7,7 tỷ đồng trong quý III năm nay. Đây là mức doanh thu thuần thấp nhất theo quý của PDR, kể từ quý III/2018.
Với nguồn thu hoạt động cốt lõi khiêm tốn, lợi nhuận gộp chỉ đạt 6,2 tỷ đồng trong quý III này, thấp hơn đáng kể con số thực hiện cùng kỳ là 855 tỷ đồng.
Trái ngược với sự trầm lắng trên, hoạt động tài chính lại khá sôi động với doanh thu tài chính bất ngờ tăng vọt lên 1.250 tỷ đồng, trong khi quý thứ ba năm ngoái chỉ đạt 460 triệu đồng. Theo giải trình, chủ yếu nguồn thu đến từ lãi chuyển nhượng cổ phần công ty con.
Phát Đạt cũng cho biết, ngày 18/10/2022, doanh nghiệp đã hoàn thành việc chuyển nhượng tiếp 26% vốn chủ sở hữu CTCP Địa ốc Sài Gòn KL (Sài Gòn KL) cho Công ty TNHH Bất động sản Gemini, nâng tổng số lượng cổ phần tại Sài Gòn KL đã được chuyển nhượng lên 72% theo như kế hoạch thanh lý khoản đầu tư này.
Theo đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất, PDR đã trình bày khoản lãi từ việc chuyển nhượng khoản đầu tư trong Sài Gòn KL trên báo cáo quý III như hoạt động thanh lý khoản đầu tư vào công ty con.
Về chi phí, quý vừa qua doanh nghiệp ghi nhận chi phí lãi vay tăng rất mạnh, gấp 3,5 lần cùng kỳ, lên 132 tỷ đồng. Giữa bối cảnh hoạt động cốt lõi ảm đạm, song các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp vẫn gia tăng đáng kể, phát sinh hơn 15 tỷ đồng.
Quảng cáo
Chưa kể, doanh nghiệp cũng nảy sinh thêm hơn 100 tỷ đồng là chi phí thanh lý tài sản. Nếu không có doanh thu tài chính đột biến, "giải nguy", chắc chắn PDR đã lâm vào tình trạng lỗ nặng trong quý III.
Kết quả, PDR vẫn công bố lợi nhuận sau thuế hơn 711 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng, PDR ghi nhận doanh thu đạt 1.490 tỷ đồng, giảm 37,7%; lãi sau thuế đạt 1.399 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.
Tổng tài sản tính đến cuối tháng 9/2022 đạt 25.797,5 tỷ đồng, tăng 25,5%; tài sản ngắn hạn tăng 39% lên 21.289,5 tỷ đồng; trữ tiền giảm 90% xuống 50,7 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 199% lên 1.986 tỷ đồng; phải trả cho người bán ngắn hạn tăng 165% lên hơn 2.000 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khác tăng 225% lên 3.622 tỷ đồng.
Hàng tồn kho tăng gần 10% lên 13.378 tỷ đồng; trong kỳ PDR chủ yếu rót thêm vào dự án Bình Dương Tower với số tiền hơn 720 tỷ đồng lên 2.321 tỷ đồng; và rót thêm vào dự án Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Bình Dương (dự án Astral City) trên 444 tỷ đồng lên 1.396,3 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả cuối tháng 9 ở mức 15.395 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay chiếm 5.265 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi sau 9 tháng, tập trung ở nợ ngắn hạn. Điều này lý giải phần nào chi phí lãi vay của PDR tăng "phi mã" trong quý vừa qua.
Dòng tiền kinh doanh của PDR sau 3 quý đầu năm âm nặng, lên đến 1.758 tỷ đồng. Nguyên do là hoạt động cốt lõi đì đẹt, và phát sinh tăng các khoản phải thu thêm 1.887 tỷ đồng...
Dòng tiền hoạt động đầu tư là 812 tỷ đồng, khác biệt so với cùng năm ngoái là âm 426 tỷ đồng. Dòng tiền tài chính đạt giá trị gần 400 tỷ đồng, là chênh lệch giữa tiền đi vay và tiền đã chi trả nợ gốc. Tuy nhiên, với dòng tiền kinh doanh âm nặng, tổng dòng tiền trong kỳ là con số âm gần 550 tỷ đồng. Lượng tiền mặt của PDR cũng vì thế "bốc hơi" nhanh, chỉ còn 50 tỷ đồng, trong khi đầu năm gần 500 tỷ đồng.
Vốn điều lệ PDR tăng 36% lên hơn 6.716 tỷ đồng so với đầu năm.