Sếp cũ Sacombank được đề cử vào "ghế nóng" Bamboo Airways

Sau khi thay toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị, Bamboo Airways đã công bố danh sách 7 ứng viên trong đó có sếp Sacombank gia nhập…

cuu-pho-tong-giam-doc-sacombank-duoc-de-cu-vao-thanh-vien-hoi-dong-quan-tri-bamboo-airways_648d20ab1cefd.jpg

Nhóm cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways, mã chứng khoán: BAV) vừa có đơn đề cử 7 ứng viên vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Trong văn bản được công bố trước đại hội đồng cổ đông của Bamboo Airways, hai cổ đông lớn là ông Lê Thái Sâm (sở hữu 38,28% vốn) và ông Doãn Hữu Đoàn (sở hữu 16,85% vốn) đã đề cử 7 ứng viên vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Trong đó, ông Sâm và ông Đoàn tự ứng cử nhiệm kỳ mới và đồng thời, tái đề cử ông Nguyễn Ngọc Trọng, Lê Bá Nguyên vào danh sách thành viên Hội đồng quản trị. Trước đó, cả 4 ứng viên này đều vừa xin từ nhiệm vai trò thành viên Hội đồng quản trị Bamboo Airways nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Nhóm cổ đông lớn này cũng giới thiệu 3 ứng viên khác là ông Phan Đình Tuệ, Trần Hòa Bình và Hideki Oshima. Trong đó, ông Tuệ vừa thôi chức Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ ngày 15/6. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Tuệ từng làm việc tại ngân hàng Phương Nam, sau đó được giao giữ chức Phó tổng giám đốc Sacombank từ giữa năm 2012.

Bamboo Airways Ông Phan Đình Tuệ Quảng cáo

Ông Hideki Oshima là một trong hai cựu lãnh đạo Japan Airlines - hãng bay lớn thứ hai tại Nhật Bản mới gia nhập đội ngũ lãnh đạo cấp cao ở Bamboo Airways. Người còn lại ông Masaru Onishi, cựu Chủ tịch Japan Airlines sẽ giữ vai trò Cố vấn cao cấp cho Hội đồng quản trị Bamboo Airways.

Ứng viên cuối cùng trong danh sách - ông Trần Hòa Bình, sinh năm 1975, hiện thường trú tại Quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ông Bình là một doanh nhân kín tiếng, được cho là cựu Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá Sài Gòn.

Trước đó, Bamboo Airways cũng đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Theo đó, hãng bay Tre Việt đạt doanh thu 11.732 tỷ đồng, tăng gần 3,3 lần so với năm 2021. Tuy nhiên, công ty báo lỗ trước thuế tới 17.619 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với mức lỗ 2.280 tỷ đồng của năm 2021.

Khoản lỗ khổng lồ của Bamboo Airways chủ yếu do việc khoản dự phòng phải thu khó đòi cho các khoản đầu tư trong thời kỳ của ban lãnh đạo cũ. Cụ thể, năm 2022 công ty ghi nhận 13.200 tỷ đồng các khoản dự phòng phải thu, đẩy chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cả trăm lần, từ mức 158 tỷ đồng năm 2021 lên tới hơn 12.700 tỷ đồng.

Việc mạnh tay trích lập dự phòng phải thu khó đòi là một trong các động thái quyết liệt của các cổ đông mới trong quá trình tái cơ cấu Bamboo Airways để nâng cao chất lượng tài sản và phản ánh đúng thực trạng của công ty.

Ngoài các khoản phải thu về cho vay gần 11.000 tỷ, các khoản phải thu dài hạn khác là 7.900 tỷ đồng, tại thời điểm đầu và cuối năm 2022, công ty có khoản mục chứng khoán kinh doanh trị giá hơn 6.300 tỷ đồng và khoản đầu tư bất động sản trị giá 1.400 tỷ đồng.

Mới đây, Bamboo Airways đã tăng vốn điều lệ lên 26.220 tỷ đồng, tăng thêm 7.720 tỷ đồng. Nhờ đó, Bamboo Airways trở thành hãng bay có vốn điều lệ lớn nhất thị trường trong nước.

Số vốn Bamboo Airways vừa tăng thêm cũng gần khớp với phương án ông Lê Thái Sâm đề xuất và đã được đại hội đồng cổ đông công ty thông qua. Ông Sâm đề nghị phát hành số cổ phần tương ứng 7.720 tỷ đồng để hoán đổi nợ. Bởi ông cho biết trước đó đã cho hãng bay vay 7.727,8 tỷ đồng (gồm cả gốc và lãi) không lãi suất và/hoặc lãi suất thấp, không có tài sản đảm bảo.