Tập đoàn Dệt may Việt Nam vừa cho biết đáy xấu nhất của ngành dệt may Việt Nam đã qua nhưng tình trạng cầu thấp có thể kéo dài đến năm 2023. Đồng thời, các doanh nghiệp dệt may cần lưu ý rủi ro sụt giảm quy mô đơn hàng và rủi ro tỷ giá những tháng cuối năm nay.
Cầu dệt may thấp có thể kéo dài sang năm 2024
Vừa qua, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã cổ phiếu VGT – sàn UPCoM) đã tổ chức Hội thảo báo cáo định kỳ hàng tháng với nhận định thị trường giai đoạn cuối năm chưa khởi sắc cũng nhưng cũng sẽ không diễn biến xấu hơn.
Tại Hội thảo, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt 3,81 tỷ USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 6,2% so với tháng 6/2023.
Trong tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục giảm 17% so với cùng kỳ năm trước; tương tự, giảm 10% tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) và giảm 9,6% tại thị trường Hàn Quốc.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 35%; trong đó, kim ngạch xuất khẩu sơi tăng tới 67% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cũng tăng nhẹ 4% so với tháng 7/2022.
Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may cả nước đạt 22,5 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, chỉ có duy nhất thị trường Nhật Bản ghi nhận tăng trưởng 3%, đạt 2,23 tỷ USD. Các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt giảm 24%, 10%, 10%, và 7,7% so với giai đoạn 7 tháng đầu năm 2022.
Đáng chú ý, ông Vương Đức Anh - Chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, đối với thị trường ngành may, tình trạng cầu thấp của năm 2023 có thể kéo dài sang năm 2024.
"Thị trường những tháng cuối năm 2023 chưa có động lực tăng, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội cuối năm", ông Vương Đức Anh nhận định.
Cụ thể, với thị trường Hoa Kỳ, nhập khẩu hàng may mặc của nước này trong 6 tháng cuối năm dự kiến chỉ tăng 10% so với 6 tháng đầu năm nay. Qua đó, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc của Hoa Kỳ trong năm nay lên mức 80 tỷ USD, giảm 20% so với năm 2022.
Với thị trường Nhật, đà tăng trưởng của hoạt động nhập khẩu hàng may mặc trong nửa đầu năm nay có thể tiếp tục được kéo dài sang nửa cuối năm. Nhưng giá bán của các sản phẩm có thể bị giảm từ 5 – 7% do đồng Yên Nhật tiếp tục mất giá theo dự báo hiện tại của tập đoàn tài chính JP Morgan (Hoa Kỳ).
Xem thêm: "Dệt may Thành Công (TCM): Lãi ròng tăng gấp 5 lần, có tín hiệu tín cực từ thị trường Hoa Kỳ, EU" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tiềm ẩn rủi ro sụt giảm quy mô đơn hàng và tỷ giá
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định, thị trường những tháng cuối năm chưa có gì khởi sắc so với giai đoạn trước nhưng cũng không xấu hơn, đáy xấu nhất của ngành dệt may Việt Nam đã đi qua.
Hiện nay, hơn một nửa khách hàng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên, tín hiệu chung cho thấy hiệu quả ngành may trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tương đương 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, ngành sợi cho thấy đáy sản xuất kinh doanh cũng vừa vượt qua, tuy nhiên vẫn mang tính rủi ro cao do cầu chưa lên hẳn, chỉ đơn vị nào chuẩn bị nguyên liệu và tổ chức sản xuất tương đối tốt sẽ hạn chế được thiệt hại, ông Lê Tiến Trường cho biết.
Vị lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng lưu ý, nguy cơ trong thời gian gần là giảm quy mô đơn hàng, gây áp lực lớn lên hệ thống sản xuất đang có sẵn của doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chú ý đến các vấn đề: lãi suất vay giảm, biến động tỷ giá, giá bông ở thời điểm hiện tại, ngưỡng tài chính… để chuẩn bị nguyên liệu, hệ thống kinh doanh, tài chính, tín dụng phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong những tháng cuối năm 2023.
Xem thêm: "Dự báo biên lợi nhuận tăng, cổ phiếu VNM có hút tiền trở lại?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Phân tích một số dự báo về tỷ giá 5 tháng cuối năm 2023, ông Lê Tiến Trường cho biết, mức độ mất giá của Việt Nam Đồng so với các đồng nội tệ của các nước là rất thấp. Trong đó, so với đồng USD, Việt Nam Đồng chỉ trượt giá ở mức 1,48%, trong khi Nhân dân tệ mất giá tới 7,15%, đồng Yên Nhật là 8,29%...
“Do đó, áp lực giảm giá Việt Nam Đồng là rất lớn khi chính sách tiền tệ trong nước được nới lỏng. Bên cạnh đó, hiện chưa phải thời vụ nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng cho dịp Giáng sinh, nhập khẩu hàng tiêu dùng dịp Tết, do đó thời gian tới cầu ngoại tệ sẽ tăng”, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam đánh giá.
Với những dự báo trên, ông Lê Tiến Trường cho rằng, khả năng từ nay tới cuối năm, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần cân nhắc đưa ra một số giải pháp điều hành linh hoạt, tránh biến động tỷ giá tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh cả năm.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: “Tổng cầu dệt may thế giới năm nay có khả năng giảm 8-10%, chắc chắn ngành dệt may Việt Nam còn khó khăn ít nhất đến hết năm nay và sang đầu năm 2024. Dự báo, xuất khẩu dệt may Việt Nam năm nay chỉ có thể đạt trên dưới 40 tỷ USD, giảm khoảng 9-10% so với năm 2022”.
Tuy nhiên, VITAS cho biết các tín hiệu đang cho thấy dự báo tình hình dệt may và nguyên liệu của Việt Nam tiếp tục được phục hồi trong những tháng tới. Gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Do đó, kỳ vọng lượng xuất khẩu hàng dệt may nửa cuối năm sẽ tăng so với giai đoạn đầu năm nay.