Tập đoàn FLC đang sở hữu 21,7% vốn của Bamboo Airways, tương ứng với 401,5 triệu cổ phiếu BAV với giá trị theo mệnh giá là 4.015 tỷ đồng...
Mới đây, Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) đã công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc chấp thuận chủ trương ký hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng cổ phần Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt Bamboo Airways (BAV) mà FLC đang sở hữu cho các cá nhân/tổ chức có nhu cầu theo chủ trương đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt và đề xuất của Tổng giám đốc tại tờ trình ngày 5/4.
Hội đồng quản trị giao cho Ban giám đốc thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần BAV dựa trên các nguyên tắc: đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của tập đoàn trong quá trình ký kết và thực hiện giao dịch, thực hiện thẩm định giá chuyển nhượng từ tổ chức định giá độc lập và đảm bảo giá chuyển nhượng không thấp hơn giá tổ chức định giá đưa ra, lựa chọn đối tác, đàm phán và ký kết các hợp đồng giao dịch và văn bản thảo thuận liên quan.
Trước đó, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường bất thường lần 2 của FLC đầu tháng 3/2023, ban lãnh đạo cho biết tập đoàn đang sở hữu 21,7% vốn của Bamboo Airways, tương ứng với 401,5 triệu cổ phiếu BAV với giá trị theo mệnh giá là 4.015 tỷ đồng.
Về phía Bamboo Airways, sau khi sự việc của ông Trịnh Văn Quyết xảy ra, đội ngũ nhân sự cao cấp của Bamboo Airways đã có nhiều biến động. Đáng chú ý trong đó là sự xuất hiện của ông Dương Công Minh, nhà sáng lập Him Lam Group và Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank trong vai trò Cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị Bamboo Airways.
Gần đây, Tổng giám đốc Bamboo Airways, ông Nguyễn Mạnh Quân cho biết, trong thời điểm khó khăn, Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng.
Cách đây không lâu, ông Nguyễn Mạnh Quân cũng cho biết hãng hàng không này đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ (gồm cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan).
"Nhà đầu tư mới, ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần, cũng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toánh nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do các cổ đông cũ đã dùng chính cổ phần Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp cho các ngân hàng", ông Quân nói.
Bamboo Airways đồng thời công bố phương án phát hành cổ phần nhằm tái cơ cấu nợ và tăng vốn điều lệ. Cụ thể, công ty muốn chào bán cổ phần riêng lẻ với quy mô phát hành dự kiến tối đa 35% vốn cổ phần sau phát hành. Với vốn điều lệ đang ở mức 18.500 tỷ đồng, ước tính Bamboo Airways sẽ phát hành tối đa thêm 996,2 triệu cổ phần, huy động gần 10.000 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ lên gần 28.462 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023. Số cổ phần sau phát hành sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Nếu thành công, vốn điều lệ của Bamboo Airways sẽ vượt qua Vietnam Airlines (22.144 tỷ đồng) trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Bamboo Airways được FLC thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, trong đó tập đoàn này nắm 100%. Qua các đợt tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo Airways dần giảm xuống. Về hoạt động của Bamboo Airways, trong hai năm đầu hoạt động 2019-2020, FLC cho biết hãng bay này đều có lãi.
Tuy nhiên đến năm 2021-2022, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động hàng không đã khiến Bamboo Airways thua lỗ liên tục và FLC phải trích lập hàng nghìn tỷ đồng cho khoản đầu tư vào đây.
Năm 2021, FLC phải trích lập dự phòng đầu tư 373 tỷ đồng. Số trích lập này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 lên 3.642 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những khoản đầu tư khiến FLC phải trích lập dự phòng nhiều nhất tính đến cuối năm 2022.