Xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 6/2023 tăng khá cả về lượng và trị giá so với tháng 5/2023; nhu cầu cao su tự nhiên của thế giới vẫn xu hướng tăng trong khi cung thấp hơn cầu là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng xuất khẩu chủng loại này.
Theo số liệu ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2023 đạt khoảng 180 nghìn tấn, trị giá 239 triệu USD, tăng 53,7% về lượng và tăng 51% về trị giá so với tháng 5/2023, nhưng so với tháng 6/2022 giảm 4,2% về lượng và giảm 23% về trị giá. Giá xuất khẩu cao su bình quân ở mức 1.327 USD/tấn, giảm 1,8% so với tháng 5/2023 và giảm 19,6% so với tháng 6/2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su đạt khoảng 766 nghìn tấn, trị giá 1,05 tỷ USD, giảm 2,6% về lượng và giảm 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Kỳ vọng nhu cầu và giá cao su sẽ đi lên trong năm sau
Nhiều dự báo kỳ vọng thị trường cao su từ năm 2024 trở đi sẽ ổn định hơn, nhu cầu cũng như giá cao su sẽ đi lên.
Đánh giá cho thấy, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm. Các sản phẩm cao su đa phần đều phục vụ cho tiêu dùng, chỉ một ít dùng cho sản xuất lốp xe tải. Với tình hình kinh tế thế giới hiện tại, lạm phát cao, khiến người dân thắt chặt tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu về cao su vẫn không thể cao. Sức tiêu thụ còn yếu, dự báo từ nay đến cuối năm 2023, giá cao su xuất khẩu sẽ khó có thể phục hồi.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, nhu cầu cao su tự nhiên của thế giới vẫn trong xu hướng tăng và sự chênh lệch cung thấp hơn cầu là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng sản lượng cao su tự nhiên, tăng kim ngạch xuất khẩu. Kỳ vọng từ năm 2024 trở đi thị trường sẽ ổn định hơn, nhu cầu cũng như giá cả cao su sẽ đi lên.
Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm hơn 99% tổng lượng hỗn hợp cao su
Trong 5 tháng đầu năm 2023, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), SVR 10, SVR 3L, RSS3, Latex, SVR CV60, SVR 20... Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 66,93% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 392,45 nghìn tấn, trị giá 538,65 triệu USD, tăng 11,5% về lượng, nhưng giảm 11,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,82% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu, với 391,74 nghìn tấn, trị giá 357,1 triệu USD, tăng 11,7% về lượng, nhưng giảm 11,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu đều sụt giảm cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu một số chủng loại cao su vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đáng chú ý như: RSS1, cao su tái sinh, SVR CV40, SVR 5…, nhưng các chủng loại này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Về giá xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, trong đó giảm mạnh nhất là Skim block giảm 25,3%; SVR 10 giảm 23,5%; RSS3 giảm 23,4%; SVR CV40 giảm 23,3%; Latex giảm 22,7%; RSS1 giảm 22,6%...