Bổ sung thêm 10 lĩnh vực kinh doanh trong giai đoạn tới, trong đó có một mảng được xem là khá rủi ro là bất động sản. Có vẻ như Golden Gate đang từng bước chứng tỏ vị thế “ông lớn” không chỉ trong ngành F&B.
Golden Gate đang sở hữu 23 thương hiệu cùng hơn 450 nhà hàng đa phong cách trên gần 50 tỉnh thành
Công ty Cổ phần Tập đoàn Golden Gate (Golden Gate) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 sẽ được tổ chức vào ngày 30/6 tới với nhiều nội dung bất ngờ trong chiến lược kinh doanh.
Đồng thời, tập đoàn này cũng hướng đến kế hoạch đi lùi như doanh thu ở mức gần 6.887 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 167 tỷ đồng, lần lượt giảm 1,1% và 74,6% so với mức nền của năm 2022.
Từ cuộc đại phẫu
Theo tài liệu họp, trong năm 2022, Golden Gate ghi nhận doanh thu gần 7.000 tỷ đồng, tăng 109,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 658,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 430,6 tỷ đồng. Vì vậy, công ty sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 257% (theo mệnh giá), tương ứng 25.700 đồng/cổ phần.
Trái ngược với kết quả kinh doanh “khủng” của năm 2022, ngay từ những ngày đầu tháng 3/3023, Golden Gate đã gây xôn xao dư luận khi thông qua chấm dứt hoạt động 39 chi nhánh của công ty tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước, tương ứng với khoảng 10% tổng số nhà hàng mà đơn vị này đang vận hành.
Dù công ty đã lên tiếng khẳng định “không có chuyện đóng cửa” mà đây chỉ là động thái cấu trúc lại giấy tờ hành chính pháp lý và đưa các địa điểm kinh doanh về quản lý tập trung nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động. Nhưng sự khó khăn mà Golden Gate gặp phải là điều có thể dễ dàng nhìn thấy.
Có thể nói, Golden Gate vừa thực sự trải qua một "cuộc đại phẫu" quy mô lớn. Đầu tiên phải kể đến việc có sự thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông khi xuất hiện thêm 3 cái tên khác đến từ Singapore là Seletar Investments Pte Ltd (thuộc quỹ đầu tư Temasek Holdings), quỹ Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte Ltd. mua lại 33% cổ phần của công ty.
Ngay sau đó, Golden Gate liên tục bổ sung và triển khai các hoạt động kinh doanh mới. Hồi tháng 10/2022, Golden Gate mở cụm dịch vụ căng tin - cà phê - siêu thị tiện ích với cơ sở đầu tiên đặt tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Kết quả kinh doanh từ năm 2008-2022 của Golden Gate
Tại đây, Golden Gate đã "hồi sinh" thương hiệu cà phê The Coffee Inn - đơn vị từng được công ty thâu tóm vào tháng 12/2016 nhưng không phát triển mở rộng. Cũng trong giai đoạn cuối năm 2022, công ty đã thông qua 2 giao dịch liên quan đến ông Đào Thế Vinh, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc gồm chuyển giao 2 tên nhãn hiệu, 9 tên miền từ ông Vinh sang Golden Gate; mua bán tài sản thanh lý cửa hàng ICOOK thuộc sở hữu của Công ty TNHH Golden Gate Franchise do ông Vinh làm đại diện pháp luật.
Một giao dịch liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng đã được Golden Gate thông qua là góp thêm 90 tỷ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư Tây Hồ - Vĩnh Phúc. Đây là doanh nghiệp do ông Trần Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Golden Gate làm Tổng giám đốc.
Quảng cáo
Công ty TNHH Đầu tư Tây Hồ - Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 2004, với vốn điều lệ ban đầu là 7,56 tỷ đồng và được duy trì đến tháng 2/2023. Sau đó, vốn điều lệ công ty đã tăng lên 57,56 tỷ đồng, đến tháng 5/2023 tiếp tục tăng lên 87,56 tỷ đồng, gấp 7,6 lần so với ban đầu.
Gần đây nhất, doanh nghiệp này cũng đã đổi tên công ty từ Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Golden Gate và logo thương hiệu.
Đến lấn sân sang lĩnh vực rủi ro
Cũng theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông của Golden Gate, về định hướng kinh doanh trong giai đoạn tới, công ty sẽ tiếp tục tập trung vào việc phát triển mở rộng mạng lưới nhà hàng trên toàn quốc; khai thác thế mạnh của các thương hiệu mũi nhọn; phát triển các nhãn mới; phát triển các mảng kinh doanh mới như lĩnh vực đồ ăn giao hàng; xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp và áp dụng công nghệ nhằm tối ưu vận hành.
Có một điểm đáng chú ý, trong những nội dung sẽ được trình trong cuộc họp tới là Golden Gate sẽ bổ sung thêm 10 ngành nghề kinh doanh mới. Bên cạnh những ngành nghề liên quan đến thực phẩm, trục kinh doanh của Golden Gate đã có thêm mảng: bán buôn đồ dùng khác cho gia đình (nội thất, đồ trang trí, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình…), bán buôn vật liệu khác trong xây dựng, đặc biệt nhất là kinh doanh bất động sản.
Thị trường bất động sản luôn rất "long lanh" trong mắt những doanh nghiệp ngoài ngành. Song phải khẳng định rằng, thị trường này không phải là lĩnh vực mà các doanh nghiệp “tay mơ” có thể dễ dàng thành công. Thực tế, có quá nhiều bài học nhãn tiền của các doanh nghiệp ngoài ngành khi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản như taxi Mai Linh, Apax Holdings (thành viên của Egroup)…
Cụ thể, vốn là doanh nghiệp vận tải lớn nhất cả nước và tham vọng vươn đến vị trí số 1 tại thị trường Đông Nam Á, nhưng sau khi lấn sân vào thị trường bất động sản, Mai Linh ngập trong nợ nần, phải bán nhiều tài sản để trả nợ.
Đối với những doanh nghiệp niêm yết như Apax Holdings còn “thảm” hơn khi khủng hoảng liên quan đến dòng tiền còn khiến cổ phiếu IBC liên tục giảm sàn, bị chuyển sang diện hạn chế giao dịch.
Không chỉ mất mát về tiền, cái mất lớn nhất của Mai Linh, Apax Holdinsg là đánh mất niềm tin của các nhà đầu tư, thậm chí cả khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh chính của họ.
Sau một thời gian dài “ngụp lặn” trong khó khăn, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Apax Holdings đã rút ra bài học, “tựu trung lại, chỉ có tập trung, tập trung và tập trung vào câu chuyện kinh doanh cốt lõi”.
Quay trở lại với câu chuyện của Golden Gate, có thể ngay trong thời điểm hiện tại, động thái với lĩnh vực bất động sản của công ty mới chỉ dừng lại ở việc bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc là có khả năng sẽ thực hiện.
Một chuyên gia tài chính cho biết, việc một doanh nghiệp ngoài ngành tham gia vào lĩnh vực bất động sản sẽ bổ sung cho thị trường một lực lượng đông hơn, nhiều sản phẩm hơn và cũng đóng góp phần nào vào sự phát triển chung của thị trường.
"Việc lựa chọn dự án, phân khúc ở thời điểm hiện tại đang rất quan trọng. Với những tay chơi mới, hy vọng họ sẽ có những cái nhìn, hướng đầu tư và chiến lược dự phòng rủi ro khi tham gia vào địa ốc vốn được xem là ngành nhạy cảm, nhiều rủi ro để không rơi vào vết xe đổ như vài “ông lớn” đã từng dính trước đây", vị chuyên gia nêu quan điểm.