Thị trường hồi phục, Vietnam Airlines ước doanh thu hơn 45.000 tỷ đồng sau 2 quý

Trong bối cảnh thị trường hàng không quốc tế và nội địa đều tăng trường, sau hai quý đầu năm, Vietnam Airlines ước tính doanh thu hợp nhất đạt 45.255 tỷ đồng, tăng gần 49% so với cùng kỳ năm 2022.

Vietnam Airlines Sau hai quý đầu năm, Vietnam Airlines ước doanh thu tăng gần 49% so cùng kỳ 2022

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã chứng khoán: HVN) vừa tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Số liệu công bố tại hội nghị cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số chuyến bay Vietnam Airlines đã thực hiện đạt 64.300 chuyến với tổng số giờ bay là 148.270 giờ. Vận chuyển hành khách ước đạt 10,14 triệu khách, tăng 23,6% so cùng kỳ. Kết quả vận chuyển hàng hóa, bưu kiện ước đạt 103.287 tấn, giảm 9%.

Vietnam Airlines ước đạt doanh thu hợp nhất hai quý đầu năm là 45.255 tỷ đồng, tăng gần 49% so cùng kỳ năm 2022 và cao hơn so với kế hoạch là 1.000 tỷ đồng.

Như vậy ước tính quý 2/2023, doanh thu của hãng hàng không này là 21.615 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng quý 2/2022.

Kết quả tích cực này là nhờ vào trong nửa đầu năm, thị trường hàng không quốc tế và nội địa ghi nhận sự tăng trưởng do nhiều yếu tố thúc đẩy. Luồng khách đi lại dịp sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và trở về Việt Nam trước và sau Tết Nguyên đán giúp hiệu suất ghế của hầu hết các thị trường đều ở mức cao, đặc biệt là các thị trường đường dài châu Âu, Úc, Mỹ.

Tuy nhiên, đối với thị trường Đông Bắc Á, đặc biệt là thị trường Trung Quốc vẫn phục hồi rất chậm so với dự báo. Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga - Ukraine kéo dài, giá nhiên liệu và tỷ giá biến động khó lường… đã tạo nên những cản trở lớn đối với sự phục hồi của thị trường hàng không cũng như kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm. Ông Hoà cho biết, thị trường nội địa ghi nhận vẫn ở mức cao hơn 2019 nhưng đã có dấu hiệu giảm 10-15%. Trong khi đó, thị trường quốc tế phục hồi rất chậm, đặc biệt các thị trường quan trọng của Vietnam Airlines như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, thậm chí Nhật Bản. Đáng nói, đến tháng 6 vừa qua, tổng thị trường quốc tế mới bằng khoảng 70% so với trước dịch.

Tại một diễn biến khác, Vietnam Airlines vừa bổ nhiệm ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban truyền thông, làm Phó Tổng Giám đốc từ ngày 4/7/2023. Trước đó, ông Tuấn đã có nhiều năm công tác tại hãng hàng không quốc gia và giữ chức Trưởng ban truyền thông.

Với việc tham gia của ông Đặng Anh Tuấn, ban điều hành của Vietnam Airlines hiện có 9 người. Ông Lê Hồng Hà là Tổng Giám đốc. Phó Tổng giám đốc gồm các ông Trịnh Hồng Quang, Trịnh Ngọc Thành, Nguyễn Chiến Thắng, Tô Ngọc Giang, Đinh Văn Tuấn, Nguyễn Thế Bảo, Lê Đức Cảnh.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng trì hoãn việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Trong thông báo mới nhất, Vietnam Airlines thông báo công ty sẽ chốt lại danh sách cổ đông dự phiên họp thường niên vào ngày 11/7 và dự kiến tổ chức họp đại hội cổ đông trước 30/8.

thi-truong-hoi-phuc-vietnam-airlines-uoc-doanh-thu-hon-45_64a3d5aebda53.png

Cổ phiếu HVN đang đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN hiện đang trong diện kiểm soát kể từ ngày 12/5/2023 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với quy định. Ngoài ra, cổ phiếu HVN giữ nguyên diện kiểm do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là -5.167,6 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2022 là -28.904 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu -4.897 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2022.

Kết phiên 4/7, giá cổ phiếu HVN tăng 300 đồng dừng ở mức 14.450 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên đạt hơn 2,3 triệu cổ phiếu, vốn hoá thị trường ước đạt gần 32.000 tỷ đồng.