Trong bối cảnh mới, chuyển sang sử dụng xe điện để kinh doanh dịch vụ taxi là hướng đi phù hợp với xu thế của ngành vận tải.
Đại dịch Covid-19 làm đình trệ các hoạt động, tiếp sau đó là bất ổn địa chính trị, nguy cơ lạm phát, giá xăng dầu tăng đột biến, ngành giao thông vận tải nói chung và ngành taxi nói riêng đã phải đối diện với những thách thức chưa từng có. Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, nhiều doanh nghiệp taxi rơi vào khó khăn trầm trọng, thậm chí phải bán phương tiện để trả nợ, duy trì dòng tiền.
Trong bối cảnh đầy biến động đó, ông Hùng cho rằng, để vực dậy ngành taxi, tránh khỏi những tác động tiêu cực, các doanh nghiệp cần phải tìm kiếm những hướng đi mới. Đó là những xu thế chung của ngành vận tải toàn cầu, bao gồm ứng dụng công nghệ cao và chuyển sang sử dụng ô tô điện.
Ô tô điện đã được xác định là tương lai của ngành công nghiệp toàn cầu, không chỉ bởi sử dụng năng lượng sạch mà còn xuất phát từ những ưu điểm vượt trội, có thể kể đến như không cần phải thay dầu nhớt, thay nước làm mát, không có tiếng ồn động cơ, ít phải bảo dưỡng định kỳ, độ an toàn cao.
Ứng dụng xe điện trong ngành taxi càng có lợi thế bởi không có mùi xăng dầu gây khó chịu cho khách, xe có thể bật điều hòa ngay cả khi tắt máy, tạo ra trải nghiệm tốt hơn. Mặt khác, giá điện tương đối ổn định nên các hãng xe có thể giảm bớt phần nào chi phí, đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và khách hàng.
Mới đây, sự kiện Vingroup tuyên bố thành lập Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh SGM, với nền tảng cho thuê và cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng ô tô, xe máy điện đã thu hút nhiều sự chú ý của công chúng. Nếu đi vào hoạt động, đây sẽ là hãng taxi thuần điện đầu tiên của Việt Nam.
Trước đó, một hãng taxi lâu đời là Lado Taxi đã bắt đầu triển khai đội xe taxi điện tại Lâm Đồng, sử dụng chính mẫu VinFast e34 của Việt Nam. Vào năm 2016, một hãng taxi lớn cũng ký kết mua bán 100 chiếc xe điện, đồng thời kiến nghị Chính phủ xin hỗ trợ về chính sách để triển khai dịch vụ taxi điện.
Phát biểu tại Hội nghị nghiên cứu áp dụng và thử nghiệm xe điện của Hiệp hội Taxi Hà Nội, ông Nguyễn Anh Quân, Giám đốc công ty taxi G7, cho biết, khai thác xe điện để triển khai dịch vụ taxi là điều tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh taxi truyền thống bị cạnh tranh khốc liệt bởi các hãng đặt xe công nghệ.
Đồng tình với quan điểm của các đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội, ông Phạm Chí Trung, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ của Quốc hội, cho biết, taxi điện sẽ là hướng đi mới không chỉ trong vận tải mà còn cả về phát triển đô thị. Ông Trung kỳ vọng, ứng dụng rộng rãi taxi điện sẽ là động cơ để nâng cao văn minh đô thị, hỗ trợ Nhà nước sớm hoàn thiện khung chính sách quản lý và thúc đẩy xe điện phát triển.
Nhìn nhận được những cơ hội, tuy nhiên, đại diện các hãng taxi cho biết vẫn còn lo ngại về giá cả của xe điện hiện tại đang tương đối đắt, vừa gây khó cho doanh nghiệp, vừa làm đội chi phí, tăng giá cước.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, đánh giá các yếu tố về an toàn để lựa chọn nhà cung cấp phương tiện cũng như những chính sách ưu đãi đối với hãng taxi chuyển đổi sang xe điện cũng là vấn đề được đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị để thúc đẩy hơn nữa quá trình xanh hóa ngành taxi.